Cuối tháng 9, chúng tôi đến Trung tâm đào tạo người giúp việc thuộc Trường cao đẳng Emilio Aguinaldo ở thủ đô Manila, Philippines. Đây là một trong những cơ sở đào tạo được cấp phép bởi Cơ quan Giáo dục và phát triển kỹ năng (TESDA) của Philippines.
Đưa nhà bếp vào... lớp học
Bà Gonzala Celicia - phụ trách chương trình đào tạo người giúp việc - dẫn chúng tôi đi tham quan lớp học. Các phòng học được thiết kế như phòng trong một căn nhà với đầy đủ vật dụng, thiết bị cho học viên thực hành như: phòng bếp, phòng tắm, phòng chăm sóc người cao tuổi, phòng đồ chơi của trẻ em, phòng ngủ, phòng khách...
Lúc này, dù giờ học bắt đầu lúc 17g (theo giờ địa phương) nhưng trước đó 30 phút, học viên Weslys (20 tuổi, ở Pasay, Manila) đã đến lớp. Weslys có hai con gái, chồng cô hiện đang đi xuất khẩu lao động ở Nhật. “Trước đây, tôi chỉ làm nội trợ và chăm sóc con - Weslys nói - Tôi học ở đây đã bốn tháng và dự định tháng 2-2012 sẽ đi giúp việc cho một gia đình tại London, Anh”.
Weslys đưa chúng tôi đến nhà bếp. Tại đây, các vật dụng làm bếp như xoong, chảo, lò vi sóng, các loại gạo, bột, gia vị, tương ớt, nước chấm... được ghi chú bên ngoài bằng tiếng Anh. Cạnh đó là một bàn ăn sang trọng để học viên học cách trang trí. “Tôi học nấu các món ăn của Ý, Nhật, Trung Quốc, Mexico...” - Weslys vừa nói vừa gấp những khăn ăn tinh tươm trên bàn.
Kế bên tại phòng chăm sóc người cao tuổi, bà Yvette, 47 tuổi, một học viên, đang đọc giáo trình bằng tiếng Anh. Bà có ba người con, trước đây chỉ làm nội trợ nhưng giờ cũng đến trường để có thể tìm một công việc giúp chồng nuôi ba người con. Vừa đọc tài liệu bà vừa thực hành đo huyết áp, xoa bóp, hỗ trợ người cao tuổi đi lại với một “người bệnh” bằng nhựa nằm trên giường. “Tôi dự định sẽ tìm một công việc ở Mỹ. Việc học cũng giúp tôi chăm sóc tốt cho gia đình mình” - bà Yvette nói bằng tiếng Anh rõ ràng, rành mạch.
17g, ông Rommel - giáo viên tiếng Anh - vào lớp. Khoảng 40 học viên nam nữ, độ tuổi 20-50 tỏa đi các phòng thực hành dưới sự hướng dẫn của giảng viên. “Mỗi tuần tôi dạy 30 giờ ở đây. Do học viên nhiều độ tuổi, nhiều trình độ nên tôi phải hỗ trợ từng học viên để họ nâng cao kỹ năng tiếng Anh của mình” - ông cho hay.
Chuyên nghiệp
Theo bà Gonzala, mỗi khóa đào tạo tại trung tâm kéo dài trong sáu tháng với học phí khoảng 23.000 peso/học viên (tương đương 11,5 triệu đồng). Trong quá trình học, học viên sẽ được trang bị những kỹ năng như: tiếng Anh, chăm sóc sức khỏe căn bản, chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ em, chăm sóc người cao tuổi, dọn dẹp buồng phòng, dinh dưỡng căn bản, sức khỏe và bảo vệ môi trường, sơ cấp cứu căn bản, ứng phó với trường hợp khẩn cấp, đa dạng văn hóa, giá trị đạo đức và phát triển cá nhân, thực tập 200 giờ tại khách sạn và bệnh viện theo các tiêu chuẩn của TESDA đưa ra.
“Mục đích của chúng tôi là đào tạo nên những người giúp việc có kỹ năng chuyên nghiệp cùng đạo đức, kỷ luật tốt. Sau khi học xong, học viên sẽ trải qua một kỳ thi kiểm tra năng lực do TESDA tổ chức và chứng nhận. Do làm việc tại nhiều nơi trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Mỹ, Canada... học viên cũng được trang bị về văn hóa của nước đó khi đến làm việc” - bà Gonzala nói.
Còn TS Valentino G.Baac - phó hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Chúng tôi mở trung tâm đào tạo từ năm 2004. Từ đó đến nay, mỗi năm trung tâm đào tạo khoảng 1.200 học viên. Một số người Mỹ, Canada, Trung Quốc... cũng đến đây học nghề giúp việc nhà”.
Theo thông tin từ TESDA, hiện có 60 cơ sở đào tạo nghề này tại các trường nghề, cao đẳng, đại học tại Philippines được cơ quan này công nhận đủ tiêu chuẩn.
Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Philippines, đến năm 2010 có 9,4 triệu lao động Philippines sống và làm việc ở nước ngoài. Trong đó ở Việt Nam có 5.100 người. Có khoảng 1 triệu người Philippines giúp việc nhà, chăm sóc người bệnh, người cao tuổi, trẻ em... ở nước ngoài. Do lợi thế về tiếng Anh, được đào tạo bài bản về kỹ năng, kỷ luật và công việc nên người giúp việc Philippines hiện được nhiều quốc gia như Mỹ, Anh, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... ưa chuộng.
Qua các bài tham luận của các chuyên gia đã giúp các chị nữ Doanh nhân là thành viên các CLB nữ Doanh nhân 24 quận, huyện, hội viên Hội nữ Doanh nhân Thành phố có điều kiện tiếp cận,... Hội thảo được diễn ra tại Hội trường Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố, với sự tham dự Bà Nguyễn Thị Ngọc...
Thảo luận