PV Báo Sài Gòn Giải Phóng đã trao đổi với TS Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM xung quanh nội dung này.
* PV: Những năm gần đây, các tỉnh thành lân cận TPHCM đang có những bước tiến hết sức mạnh mẽ trong phát triển kinh tế và đô thị. Để thực hiện tốt nhiệm vụ mà Trung ương đã giao “trở thành đô thị đặc biệt, đi đầu... đóng góp ngày càng lớn cho khu vực và cả nước”, theo ông, TPHCM phải làm gì?
* TS TRẦN DU LỊCH: TPHCM phải cùng với các địa phương lân cận xây dựng được một không gian phát triển kinh tế và đô thị chung trên cơ sở hỗ trợ và bổ sung cho nhau. Cách nay 3 năm, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng đô thị TPHCM với TPHCM là trung tâm và 7 tỉnh thành khác được xác định thuộc vùng TPHCM là Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tiền Giang. Các địa phương trong vùng TPHCM cũng chính là các địa phương của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây là những căn cứ rất tốt để TPHCM và các địa phương này có thể bắt tay nhau cùng phát triển. Trước mắt, nếu chưa thể xây dựng không gian kinh tế chung cho cả vùng, TPHCM có thể phối hợp cùng với Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu là các địa phương rất gần TP và có nhiều đặc điểm giống nhau trong phát triển kinh tế.
* Thưa ông, liên kết vùng đã được TPHCM quan tâm từ nhiều năm nay nhưng dường như kết quả vẫn chưa như mong muốn. Sự tác động của TPHCM đến sự phát triển của cả vùng và sự hỗ trợ của vùng đối với sự phát triển của TP phải chăng chưa rõ nét?
* Bên cạnh sự nỗ lực của các địa phương trong vùng, rất cần có sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ ngành liên quan. Chính phủ nên thay đổi quan điểm tính GDP cho từng địa phương, xóa địa giới hành chính đối với không gian phát triển kinh tế. Trên cơ sở tận dụng thế mạnh của từng nơi, Chính phủ phải chủ trì xử lý 4 vấn đề chung cho cả vùng. Thứ nhất, bố trí lực lượng sản xuất như thế nào, nơi nào phát triển sản xuất công nghiệp, nơi nào làm cảng biển, nơi nào làm dịch vụ... Thứ hai, xây dựng các đô thị vệ tinh theo hướng không dàn trải và có sự liên kết, bổ sung cho nhau. Thứ ba, tập trung phát triển giao thông liên vùng, kết nối TPHCM với các địa phương. Trước hết ưu tiên phát triển Vành đai 3 và phát triển các tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, TPHCM - Bến Lức. Đặc biệt quan tâm đầu tư ngay cầu nối TPHCM qua đô thị Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai. Đây là khu đô thị đã được quy hoạch bài bản nằm ở vùng đất cao, địa chất đất tốt, thế đất đẹp. Dân cư gần như chưa có ai. TPHCM hoàn toàn có thể phối hợp với Đồng Nai tiến hành giãn dân ra khu đô thị này thay vì tốn nhiều tiền để phát triển đô thị về phía Nam - vốn là vùng đất yếu, khi xây dựng sẽ tốn rất nhiều chi phí. Từ Nhơn Trạch tới khu Nam của TPHCM không xa, nếu giao thông thuận tiện, người dân có thể ở Nhơn Trạch và đi đến quận 2, quận 9 và khu Nam TP một cách dễ dàng. Thứ tư, đào tạo và duy trì nguồn nhân lực chung cho cả vùng. Chính phủ phải chủ trì điều hành các chương trình đầu tư lớn cho cả vùng trên tinh thần các công trình đầu tư ấy phải hỗ trợ cho nhau, giúp từng địa phương phát triển thế mạnh của mình đồng thời tạo được thế mạnh chung cho cả vùng. Đầu tư lẻ mẻ theo tính toán của nhiều địa phương như hiện nay vừa không tổng hợp được sức mạnh vừa làm lãng phí tài nguyên thiên nhiên, vừa tốn tiền.
* Mọi công việc đều giao cho Chính phủ, liệu Chính phủ có quá tải không, thưa ông?
* Ở nhiều nước có mô hình Hội đồng vùng. Thành viên của hội đồng không phải là những công chức nhà nước mà là những nhà khoa học, nhà quản lý có kinh nghiệm. Những nhà khoa học, những nhà quản lý này sẽ nghiên cứu và đưa ra các khuyến cáo cho hoạt động đầu tư phát triển kinh tế và cả đô thị của cả vùng. Tuy không phải là cơ quan quản lý nhà nước và ý kiến của Hội đồng vùng không có tính chất pháp lý, bắt buộc mọi người phải tuân theo nhưng chúng được các cơ quan nhà nước tôn trọng và được tham khảo trước khi có quyết định. Chúng ta có thể tham khảo mô hình nêu trên để lập ra các cơ quan hỗ trợ cho việc quản lý của Chính phủ, giúp Chính phủ làm tốt công tác mà không quá tải.
* Theo ông những lĩnh vực kinh tế nào TPHCM cần tập trung phát triển và những lĩnh vực nào cần phối hợp và hỗ trợ các địa phương khác cùng phát triển?
* Như đã nói trên, Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị đã tạo điều kiện để TPHCM và các địa phương trong vùng cùng phối hợp phát triển trong một không gian kinh tế chung của vùng, cùng giải quyết các vấn đề chung như cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường. Dĩ nhiên, bên cạnh việc phát triển chung, tôi cho rằng TPHCM cần chủ động rà soát lại quy hoạch theo định hướng của Nghị quyết 16, lựa chọn các dự án về hạ tầng để thí điểm mô hình công tư đối tác (PPP) thu hút tư nhân đầu tư và đặc biệt là xây dựng mô hình chính quyền đô thị nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn. Nghị quyết 16 cũng tạo điều kiện để TPHCM triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX với mục tiêu nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế và xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị.
Nguyễn Khoa thực hiện
http://citinews.net/kinh-doanh/khung-hoang-kinh-te--doanh-nhan-mat-ca-vo-5D2KRII/
Thảo luận