Hợp tác quản trị nhân tài Kỷ Lục

Bước tạo đà vững chắc, đưa Nghị quyết “Tam nông” vào cuộc sống

Đăng lúc: Thứ ba - 25/01/2011 14:37 - Người đăng bài viết: admin
2009 là năm đầu tiên Hà Tĩnh triển khai mạnh mẽ Nghị quyết 26 – NQ/TW của BCH T.Ư Đảng và Nghị quyết 08 – NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Công tác chuyển đổi ruộng đất (CĐRĐ) lần 2 gắn với cơ giới hóa sản xuất là bước tạo đà vững chắc, đưa Nghị quyết “Tam nông” sớm đi vào cuộc sống

Vụ đông xuân 2009 – 2010, gia đình anh Võ Mạnh Nhạc, thôn Đồng Quan, xã Đức Lạng (Đức Thọ) gieo trồng 1,6 mẫu đất lúa, 1,2 mẫu đất màu. Thay vì quần quật cả tháng trời làm đất như trước đây, anh Nhạc ung dung đánh máy cày ra đồng phay đất gọn trong một buổi. Thoạt nghe, những người ít tiếp xúc với hoạt động sản xuất nông nghiệp sẽ bán tín bán nghi trước sự thay đổi kỳ diệu này nhưng đi sâu tìm hiểu mới thấy, vai trò của công tác CĐRĐ lần 2 kết hợp với cơ giới hóa sản xuất chính là phép màu hiện thực và sinh động nhất.

Theo anh Nhạc, trong số 1,6 mẫu đất lúa mà gia đình anh đang sở hữu có 1 mẫu gia đình anh vẫn làm từ nhiều năm nay, 6 sào còn lại anh mới đăng ký nhận của các hộ trong xóm do không có điều kiện lẫn nhu cầu sản xuất. Nhờ CĐRĐ lần 2, gia đình anh không chỉ tăng thêm được 6 sào đất lúa mà còn quy về một thửa thay vì 4 thửa trên nhiều xứ đồng như trước đây.

“Đất đai tập trung một vùng nên thuận lợi lắm. Trong đợt làm đất sản xuất đông xuân vừa qua, chúng tôi chỉ phải cày một chỗ, gieo một chỗ chứ không phải đi lại xứ đồng này xứ đồng kia, vừa mất thời gian vừa mệt người, lại không có điều kiện để đầu tư thâm canh. Nay, tiện lợi đủ bề rồi, gia đình chỉ lo không có vốn mà đầu tư chứ bây giờ cơ hội làm giàu trên mảnh đất quê hương đã hiện hữu từng ngày. Sau mày cáy, nếu tiếp tục được Chính phủ hỗ trợ lãi suất, chúng tôi sẽ đầu tư thêm một máy tuốt lúa và có thể là “tậu” thêm một máy gặt đập liên hợp để vừa phục vụ nhu cầu của gia đình vừa đáp ứng dịch vụ cho nhiều hộ dân trong xóm, trong xã” – anh Nhạc tâm sự.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Đức Lạng Nguyễn Đình Chiểu chia sẻ, ngoài gia đình anh Nhạc, toàn xã đã có hàng chục hộ mạnh dạn đầu tư máy cày phục vụ sản xuất sau CĐRĐ lần 2. Thành công của Đức Lạng chính là biết dựa vào dân thông qua công tác dân vận. Bởi, cũng như nhiều địa phương khác, khi chủ trương chuyển đổi được ban hành luôn gặp phải sự phản kháng của không ít hộ dân vốn có tính thỏa mãn với những gì mình có, không mạnh dạn đầu tư thâm canh, nhất là sợ lợi ích bấy lâu bị san sẻ. Chủ trương đã ban hành thì dù khó mấy cũng phải làm bằng được. Cùng với các biện pháp nội nghiệp, Đức Lạng tiến hành chuyển đổi lại theo hai phương thức: một là phân các vùng đặc cách (chủ yếu ruộng xấu và ở xa) cho các hộ có năng lực và điều kiện đầu tư, hai là bốc thăm chia đều.

“Với cách làm này, không hộ nào trong xã bị phân tâm, dao động nữa thế là xã tiến hành giao đất thực địa thôi” – Phó Bí thư Chuẩn quả quyết. Từ một địa phương có địa hình kiểu ruộng bậc thang với số thửa bình quân từ 32 thửa/hộ (theo Nghị định 64), Đức Lạng đã giảm xuống 12 thửa/hộ (sau CĐRĐ lần 1) và nay thì chỉ còn 2,97 thửa/hộ. Theo phân loại, toàn xã hiện có xấp xỉ 100 hộ sử dụng một thửa, và hộ nhiều nhất cũng chỉ 3 thửa mà thôi.

Anh Thái Sơn Vinh – Chuyên viên Phòng TN&MT huyện Đức Thọ cho biết thêm, công tác CĐRĐ lần 2 ở huyện nhà chính thức được triển khai từ năm 2008 với 7 xã làm điểm. Năm 2009, huyện tiếp tục chỉ đạo chuyển đổi cho 21 xã, thị trấn còn lại. Đến thời điểm này, phần lớn các xã đã giao đất thực địa để nhân dân kịp sản xuất đông xuân đúng thời vụ. Sau chuyển đổi, toàn huyện giảm được 397 hộ, giảm được 57% số thửa (từ 96.072 xuống còn 41.326), giảm bình quân số thửa/hộ từ 6,26 xuống còn 2,75, tăng diện tích bình quân/thửa từ 484 m2 lên 909 m2. Kết hợp với chuyển đổi, các địa phương trong huyện đã quy hoạch lại hệ thống giao thông – thủy lợi nội đồng, đồng thời ra quân đào đắp trên 600 ngàn m3 đất đá các loại phục vụ giao thông đi lại và vận chuyển các loại vật tư nông nghiệp. “Không mất mát gì nhưng hiệu quả từ chuyển đổi là rất lớn, vừa đảm bảo thuận canh thuận cư vừa giảm công sức lẫn chi phí đầu tư, đồng thời giúp người dân phát huy tính tự chủ trong sản xuất”.

Theo Sở TN&MT – Cơ quan chủ trì thực hiện CĐRĐ lần 2, cùng với Đức Thọ, công tác chuyển đổi ruộng đất lần này đã được 10/10 huyện, thành, thị còn lại triển khai rầm rộ từ đầu năm đến nay (không tính huyện Can Lộc đã hoàn thành sớm vào đầu năm 2009). Nhiều địa phương đã cơ bản hoàn thành giao đất thực địa để nhân dân kịp sản xuất trong vụ đông xuân 2009 – 2010.

Quá trình thực hiện ở cơ sở cho thấy, cấp ủy Đảng, chính quyền cấp huyện, xã nhận thức rất rõ vị trí, tầm quan trọng của vấn đề này đối với sự nghiệp CNH – HĐH nông nghiệp – nông thôn nên đã chỉ đạo sâu sát và triển khai quyết liệt; bên cạnh đó, còn có sự hỗ trợ đắc lực của các tổ chức xã hội, cơ quan đoàn thể như: hội nông dân, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên. Phần đa các cấp ủy, chính quyền cơ sở đã vận dụng linh hoạt quy chế dân chủ cơ sở để giải quyết những vướng mắc chưa có tiền lệ trong quá trình tổ chức thực hiện nên tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, nhất là xử lý những vấn đề liên quan đến các đối tượng đã được giao đất theo Nghị định 64/CP.

Nhờ bám sát các hướng dẫn của cơ quan chuyên môn nên quá trình triển khai công tác CĐRĐ lần 2 đã được thực hiện đúng quy trình, gắn công tác chuyển đổi với điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, thực hiện quy hoạch giao thông – thủy lợi nội đồng đảm bảo thuận tiện cho sản xuất như: đường trục chính từ 5 – 6 m, bờ vùng rộng 2 - 3 m…

Thành công bước đầu sau CĐRĐ lần 2 đã mở ra cơ hội mới cho nông dân tỉnh nhà. Hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” đang mờ dần và chỉ còn trong ký ức, thay vào đó là hình ảnh những chiếc máy cày đa năng với hiệu suất làm việc gấp hàng chục lần so với làm thủ công như trước đây. Tình trạng ruộng đất manh mún bị phá bỏ sẽ giúp người dân giảm thiểu tối đa việc đi lại, vận chuyển các loại vật tư, phân bón, đồng thời thúc đẩy bà con đầu tư theo hướng thâm canh, sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Được biết, đến thời điểm này, toàn tỉnh có hàng ngàn máy cày phục vụ làm đất, trong đó, có 345 máy được đầu tư từ nguồn hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 497 QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, người dân ở các địa phương còn đầu tư hàng trăm chiếc xe tải nhẹ phục vụ việc vận chuyển vật tư và sản phẩm sau thu hoạch.

CĐRĐ lần 2 gắn với cơ giới hóa sản xuất sẽ là bước tạo đà vững chắc để đẩy nhanh tiến trình CNH – HĐH nông nghiệp – nông thôn. Trên cơ sở các thành công bước đầu đó, Hà Tĩnh tin tưởng vào nhiều thắng lợi hơn trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trong năm 2010. Đó cũng chính là đòn bẩy để phát triển nhanh cơ sở hạ tầng nông thôn, tiến tới nâng cao đời sống nông dân theo tinh thần mà Nghị quyết 08 – NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh xác lập.

Hải Xuân

Từ khóa:

n/a

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Tin tiêu điểm

Giao lưu chuyên đề "Nông dân - Doanh Nhân"

“Nông Dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã thu hút sự tham gia của đông đảo hội viên, nông dân". Dịp này, lãnh đạo HỘi Nông Dân tỉnh Bình Dương đã trao 4 Kỷ niệm chương “Vì giai cấp nông dân Việt Nam” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng...

Bộ đếm

  • Phút online: 1.486
  • Tổng lượt truy cập: 28.566.231

Quảng cáo

Liên kết website