Yêu nhưng không “sa đà”
Điểm chung nhất ở những bộ phim về Lý Công Uẩn là đều khắc họa hình ảnh của ông ở ba giai đoạn: trưởng thành, vào cung cho tới khi ban chiếu dời đô, nhưng ở mỗi phim, biên kịch lại sáng tạo ra những tình tiết khác nhau xoay quanh nhân vật chính. Chuyện phim Huyền sử thiên đô đề cập đến giai đoạn lịch sử từ năm 1004 đến năm 1009, khi vua Lê Đại Hành suy yếu, triều đình rối ren, Lý Công Uẩn được triều thần tôn lên làm vua thay Lê Long Đĩnh chết vì bệnh tật.
Theo nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, kịch bản phim không viết riêng về Lý Công Uẩn mà mở rộng, giao thoa giữa nhiều nhân vật như Lê Long Việt, Lê Long Đĩnh, sư Vạn Hạnh... Phim cũng cho thấy ý tưởng dời đô của vua Lý Công Uẩn không phải ngẫu nhiên mà là cả một quá trình đúc kết từ thực tế, từ tầm nhìn xa trông rộng của ông.
Về đất Thăng Long lại mở đầu từ năm Ất Mão (Ứng Thiên thứ 10 – 1003), tập trung mô tả cuộc đối đầu phức tạp, ly kỳ giữa Tả thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn với vị vua cuối cùng của nhà tiền Lê nổi tiếng tàn bạo, dâm đãng, điên rồ bậc nhất trong lịch sử phong kiến VN là Lê Long Đĩnh. Khát vọng Thăng Long lùi mốc thời gian xa hơn một chút, trở về với thời thơ ấu của Lý Công Uẩn khi còn là một chú tiểu được quốc sư Vạn Hạnh nuôi dưỡng cho đến khi lên ngôi và quyết định dời đô. 19 tập phim Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long khắc họa giai đoạn từ thời tiền Lê cho đến khi Lý Công Uẩn quyết định dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long.
Bên cạnh sự khác nhau về thời điểm lịch sử cũng như những tình tiết hư cấu, các phim còn khác biệt bởi những nhân vật được sáng tạo xung quanh Lý Công Uẩn, đặc biệt là các giai nhân. Trong bốn phim, rất nhiều những hồng nhan tri kỷ ra đời. Khát vọng Thăng Long có nàng Dạ Hương - một người luôn yêu thương và sẵn sàng hy sinh vì Lý Công Uẩn. Trong Huyền sử thiên đô là Giáng Bình, một nữ võ tướng dưới triều Đinh đem lòng yêu thầm Lý Công Uẩn. Trong Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long có Thanh Liên, người đẹp thanh mai trúc mã của ông từ thuở nhỏ. Còn trong Về đất Thăng Long là nàng Thiên Hương, một đào nương nổi tiếng thành Hoa Lư, khiến Lý Công Uẩn phải say đắm trong một lần đi nghe hát. Các nhân vật mang tính điểm xuyết này nhằm tăng thêm độ hấp dẫn và làm cho chân dung Lý Công Uẩn sống động, “đời” hơn, nên các phim chỉ khai thác một cách vừa phải, không quá sa đà.
Diễn viên Nam-Bắc đua tài
Sự phong phú của nhân vật Lý Công Uẩn trên phim không chỉ ở chỗ tâm trạng, diễn biến tình cảm của nhân vật được định sẵn khác nhau trong mỗi kịch bản mà còn thể hiện qua diện mạo, tuổi tác của các diễn viên thủ vai này. Nhà sử học Nguyễn Thị Mai (Đại học Khoa học xã hội nhân văn) cho biết: “Lý Công Uẩn sống cách đây 10 thế kỷ mà mãi đến thế kỷ thứ XIV, tức ba thế kỷ sau khi ông qua đời, chúng ta mới có sách sử, nên không thể biết được dung mạo chính xác của Lý Công Uẩn. Chỉ có thể hình dung sơ lược về ngoại hình đó là một người tuấn tú, thông thái, uy nghi, phong cách gần gũi, thân thiện”.
Dựa theo “mẫu số chung” này, mỗi nhà làm phim lại có thêm những tiêu chí riêng để chọn ra những ứng viên sáng giá. Và một ngẫu nhiên thú vị khi vai Lý Công Uẩn trong bốn phim được chia đều cho diễn viên hai miền Nam-Bắc thể hiện. Hai diễn viên trẻ phía Bắc: Tiến Lộc (Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long), Công Dũng (Huyền sử thiên đô) cùng so tài với Quách Ngọc Ngoan (Khát vọng Thăng Long) và Lý Hùng (Về đất Thăng Long).
DV Tiến Lộc với hình ảnh Lý Công Uẩn trong Lý Công Uẩn - Đường tới thành
Thăng Long
Tiến Lộc, Công Dũng và Quách Ngọc Ngoan có lợi thế hơn Lý Hùng ở tuổi trẻ, chiều cao lý tưởng (từ 1,8m trở lên). Đạo diễn Trần Ngọc Phong của phim Về đất Thăng Long giải thích về việc chọn Lý Hùng: “Phim đề cập giai đoạn Lý Công Uẩn khoảng 40 tuổi, ngoài đời, tuổi tác Lý Hùng cũng tương đương, hơn nữa gương mặt của Lý Hùng toát lên được vẻ minh quân cần có của nhân vật”.
Diễn viên Lý Hùng - Lý Công Uẩn "cứng tuổi" nhất trong Về đất Thăng Long
Không nhắm vào tuổi tác như đồng nghiệp Trần Ngọc Phong, đạo diễn Lưu Trọng Ninh chọn Ngọc Ngoan vì ưng ý với cách lột tả tình cảm trung thành của một bề tôi cũng như thái độ bất mãn trước thời cuộc rối ren trong hai lần thử vai của chàng diễn viên xuất thân từ người mẫu này. Riêng đạo diễn - NSƯT Tất Bình khi nói về việc chọn Công Dũng, ông chỉ ngắn gọn: “Chúng tôi đã nhìn thấy những gì mà người khác không nhìn thấy để trao cho Công Dũng vai diễn này”.
Tạo hình Lý Công Uẩn của DV Quách Ngọc Ngoan
Chân dung Lý Công Uẩn do DV Công Dũng thể hiện
Mặc dù cùng thể hiện chân dung Lý Công Uẩn, nhưng nhờ sở trường võ thuật của Johnny Trí Nguyễn (đạo diễn võ thuật phim Khát vọng Thăng Long) và diễn viên Lý Hùng, hình ảnh của Lý Công Uẩn hiện ra khá uy nghi, oai dũng, trong khi Lý Công Uẩn của Tiến Lộc và Công Dũng lại toát ra chất "văn" nhiều hơn “võ”.
Việc lần đầu tiên cùng lúc có bốn bộ phim được thực hiện với bốn chân dung Lý Công Uẩn khác nhau là một trùng hợp hiếm có và là cơ hội để người xem có dịp so sánh mức độ sáng tạo của các nhà làm phim. Tuy nhiên, đây cũng chính là điều người xem băn khoăn về giới hạn nào cần có giữa mức độ sáng tạo và tính trung thực của lịch sử. Cùng thể hiện một nhân vật, gần như ra mắt trong cùng một thời điểm, nhưng tình trạng “mỗi nơi một phách” cũng sẽ mang đến cảm giác... rối rắm cho người xem, nhất là giới trẻ khi lần đầu tiên được “diện kiến” chân dung vị minh quân nổi tiếng lịch sử trên màn ảnh
Hương Nhu
lý công, hình ảnh, của ông, giai đoạn, dời đô, sáng tạo, khác nhau, nhân vật, huyền sử, thiên đô, lịch sử, lê long, về đất, thăng long, nổi tiếng, khát vọng, của uẩn, là một, uẩn đường, tới thành, uẩn trong, chân dung, diễn viên, thể hiện, tuổi tác, thế kỷ, tiến lộc, công dũng, quách ngọc, lý hùng, đạo diễn, người xem, không, những, phim, được, cũng, cùng, trong, thời
http://hunghau.vn/index.php/vietnamese/Tin-tuc/Tin-tuc-Su-kien/Ket-thuc-tot-dep-chuyen-tham-va-lam-viec-giua-Hoi-doanh-nhan-tre-Dong-Thap-va-cong-ty-Hung-Hau
Ý kiến bạn đọc