Phim người...
Sức hấp dẫn của việc tái hiện lịch sử, xây dựng thành công những cá nhân làm nên lịch sử, những huyền thoại, những anh hùng, thậm chí cả những tội đồ của lịch sử… vốn rất lớn đối với những nhà làm phim lịch sử. Tuy nhiên, ranh giới giữa sự hư cấu để tạo nên nhân vật lịch sử thực sự với một nhân vật được khoác lên ý đồ riêng nhằm câu khách cũng rất mong manh.
![]() |
Cảnh trong phim "Huyền thoại Trần Chân". |
Mới đây, bộ phim “Huyền thoại Trần Chân” (Legend of the fist: The return of Chen Zhen) được xem là một ví dụ. Bộ phim kể về đất nước Trung Quốc những năm 1920, bị đàn áp dưới ách thống trị của quân Nhật. Nhân vật Trần Chân là một chí sĩ yêu nước. Với khả năng võ thuật siêu đẳng, nhân vật này đã tạo nên một huyền thoại đủ làm khiếp đảm kẻ thù. Xét về cốt truyện, đây là bộ phim khá hấp dẫn. Thư Kỳ, nữ diễn viên nổi tiếng trong vai nữ gián điệp của Nhật và Chân Tử Đan, vua Kungfu mới của Trung Quốc, vai người anh hùng của thành phố Thượng Hải, đã có những màn phối hợp tốt. Thấp thoáng trong phim là hình ảnh của “Batman”, “Spiderman” được tạo hình thông qua nhân vật Trần Chân, khiến cho bộ phim mang thêm màu sắc huyền thoại hiện đại.
Thế nhưng, với đạo diễn Lưu Vỹ Cường dường như tất cả cái đó chưa đủ để hấp dẫn khán giả. Ông và nhà sản xuất nhắm tới những màn biểu diễn kungfu thật sự mãn nhãn. Và chính điều này đã khiến cho yếu tố lịch sử trong phim trở thành cái cớ để các nhà làm phim thực hiện ý đồ làm một bộ phim trình diễn võ thuật. Chất bạo lực toát ra trong những màn tỉ thí võ thuật và những cuộc chém giết kẻ thù. Các nhà làm phim dường như cố lý giải cho những hình ảnh say máu của nhân vật bằng lòng căm thù, khát vọng trả thù những kẻ xâm lược đất nước đã giết hại anh em, đồng đội, người thân của nhân vật…; nhưng dù có như vậy, chất tàn bạo trong cách đâm chém đến chết cũng khiến người xem phải rùng mình. “Huyền thoại Trần Chân” được ca ngợi là dự án phim võ thuật đáng được mong chờ nhất trong năm 2010 của nền điện ảnh Hoa ngữ và được chọn trình chiếu tại LHP Cannes 2010, nhưng có lẽ đây sẽ không được xem là bộ phim thành công ở khía cạnh phim lịch sử.
Phim mình...
Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội là dịp hàng loạt phim lịch sử ra đời. Có lẽ với không ít người, việc lấy lý do đại lễ để đổ tiền bạc công sức ra làm phim lịch sử sẽ khiến có không ít tác phẩm chưa đủ độ chín xuất hiện. Nhưng dù sao cũng phải ghi nhận, nếu không có dịp này, không biết đến khi nào dòng phim lịch sử của Việt Nam mới được khôi phục và phát triển. Như đã nói ở trên, làm phim lịch sử bằng cái tâm của người có lòng tôn kính những giá trị lịch sử, những giá trị tinh thần mà cha ông để lại, sẽ khác với làm phim lịch sử chỉ vì bất cứ lý do nào khác. Và những vấn đề gần đây cho thấy rõ ràng có quá nhiều lý do để phim lịch sử “chín ép” ra đời…
Với nhiều nhà sản xuất phim truyền hình, việc lên sóng phim đang ngày càng khó khăn, một bộ phim lịch sử trong dịp đại lễ sẽ là tấm giấy thông hành dễ dàng hơn. Nhà đài rõ ràng phải làm công tác chính trị, phim lịch sử đương nhiên phải có quyền ưu tiên hơn các phim khác. Còn phim truyện nhựa thì khác, kinh phí rót ra cho một bộ phim truyện nhựa lịch sử là rất lớn. Vì thế, làm phim lịch sử giống như một chiếc bánh mà nhiều người muốn nhòm ngó. Các hãng phim, các đạo diễn… đều muốn phim lịch sử về tay mình. Đó cũng là lý do có rất nhiều cuộc kiện tụng xung quanh một bộ phim lịch sử, ngay từ khâu kịch bản…
Càng gần đến đại lễ, những rắc rối xung quanh những bộ phim mang tính lịch sử càng rộ lên. Những kiện tụng về tác quyền, những thất vọng về chất lượng nội dung các phim, những yêu cầu ngưng phát sóng vì lý do phim không mang bản sắc dân tộc… khiến cho dư luận càng thêm nghi ngờ đối với không ít sản phẩm điện ảnh gắn liền với 3 chữ “mừng đại lễ”.
Mới đây, bộ phim lịch sử đầu tiên của đại lễ (biên kịch Văn Lê, đạo diễn Đào Bá Sơn, Hãng phim Giải Phóng sản xuất) mang tên “Long Thành cầm giả ca” đã có được những phản hồi tốt từ phía công luận. Một bộ phim chỉn chu với những giá trị lịch sử, đẹp về mặt hình ảnh, ít nhiều tạo được xúc cảm về mặt nội dung. Tuy chưa phải là bộ phim thực sự xuất sắc nhưng người xem nhận thấy cái tâm của các nhà làm phim, những người thực sự yêu quý những giá trị của lịch sử dân tộc.
Đáng tiếc là theo một trong những thành viên của Hội đồng Duyệt phim Trung ương, đây có thể xem là bộ phim duy nhất trong số những phim lịch sử mà hội đồng duyệt đã xem, tính tới thời điểm này, là có giá trị trong dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long!
HÀ GIANG
Khóa Đào tạo Kỹ năng E - MarKetting do VCCI tổ chức tại Thành Phố Cần Thơ Tháng 7 - 2013
Ý kiến bạn đọc