Linh Nga cùng tốp nữ trong tiết mục hướng về Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ảnh: AN DUNG |
Hàng trăm khán giả thành phố, du khách nước ngoài đã thưởng thức và cổ vũ nồng nhiệt các tiết mục ca múa nhạc, ca cổ, hòa tấu: Hùng thiêng Thăng Long - Hà Nội, Hà Nội linh thiêng hào hoa, Hà Nội niềm tin và hy vọng, Bài ca Hà Nội, Bốn ngàn năm rực rỡ gấm hoa, Tiếng hát từ thành phố mang tên Người, Câu hát Bông Sen, Lửa thiêng dân tộc, Tình đất phương Nam… do các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, NSƯT Tạ Minh Tâm, NSƯT Cẩm Tiên, ca sĩ Thanh Thúy, Bonnuer Trinh, Ê Ban, Vân Khánh… biểu diễn.
Đây cũng là một trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật mang đậm ý nghĩa thể hiện tấm lòng của nhân dân miền Nam luôn hướng về thủ đô yêu dấu, tôn vinh các giá trị văn hóa dân tộc và thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ IX.
Hồ Gươm - trái tim của thủ đô Hà Nội. Ảnh: T.L. |
Theo kịch bản chi tiết khai mạc 10 ngày Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội do UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt, ngày 1-10, khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long sẽ chính thức đón nhận bằng Di sản văn hóa thế giới do Tổng Giám đốc UNESCO trao tặng.
Cũng theo kịch bản vừa được phê duyệt, lễ khai mạc diễn ra sáng 1-10 tại vườn hoa Lý Thái Tổ và khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Tổng đạo diễn NSƯT Đặng Văn Hùng, Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc Quân đội. Lễ khai mạc gồm 2 phần: lễ và hội. Trong phần lễ, sau khi dàn trống, cồng chiêng tấu bản nhạc lễ sẽ có hiệu lệnh “Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long” và thắp lửa trên đài lửa... Nghi thức thả chim bồ câu sẽ kết thúc phần lễ. Phần hội diễn ra tại 5 sân khấu khu vực xung quanh hồ Gươm.
Chiều 25-9, Báo Giác Ngộ đã tổ chức lễ trao giải cuộc thi văn - thơ Phật giáo với chủ đề “Hướng về 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội 2010”, đây là cuộc thi do Báo Giác Ngộ tổ chức từ 6-2009 đến 6-2010. Đã có 370 bài thơ, 37 chùm thơ (với 355 bài) cùng 1 trường ca của 156 nhà thơ gửi về dự thi phần thơ, phần văn của cuộc thi đón nhận 106 tác phẩm của 68 tác giả gửi về tham dự.
Sau một thời gian lựa chọn, đã có 17 tác phẩm được trao giải gồm 8 tác phẩm văn và 9 tác phẩm thơ, tuy nhiên ở cả hai phần thi đều không có tác phẩm đoạt giải nhất.
Ở phần văn, hai tác phẩm Tiếng chuông chiều ba mươi của nhà văn Khuê Việt Trường (Nha Trang) và Tiếng trống da trâu của nhà văn Hoàng Hương Trang (TPHCM) đã chia nhau giải nhì. Bài thơ Lạc bước Hồ Tây của nhà thơ Võ Thị Hồng Tơ (Bình Thuận) đã đoạt giải nhì duy nhất phần thi thơ.
Cùng ngày 25-9, tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, Công an Hà Nội cùng với các đơn vị của Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Thủ đô và các ban, ngành của thành phố tiến hành buổi diễn tập phương án đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội, xử lý cháy nổ và cứu hộ, cứu nạn. Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng cùng lãnh đạo Bộ Công an, thành phố Hà Nội và lãnh đạo 8 tỉnh và thành phố giáp ranh Hà Nội đã tham dự buổi diễn tập.
Cuộc diễn tập thể hiện quyết tâm của sẵn sàng đảm bảo tuyệt đối an toàn Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Đại hội Đảng lần thứ XI và các sự kiện trọng đại của đất nước diễn ra trên địa bàn thủ đô Hà Nội trong thời gian tới.
Trước đó, ngày 24-9, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc họp báo về Liên hoan du lịch quốc tế Thăng Long - Hà Nội 2010 với chủ đề “Thăng Long - Hà Nội, Hội tụ ngàn năm”. Đây là hoạt động du lịch - văn hóa - nghệ thuật quan trọng của Năm du lịch quốc gia 2010 tại Hà Nội, chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và 50 năm thành lập ngành du lịch Việt Nam. Liên hoan sẽ diễn ra tại Thiên đường Bảo Sơn, từ ngày 2 đến 5-10.
Liên hoan là dịp để quảng bá thế mạnh du lịch cũng như văn hóa của Việt Nam nói chung của Hà Nội nói riêng trong dịp “ngàn năm có một”. Cũng trong dịp này, từ ngày 6 đến 11-10 sẽ diễn ra Liên hoan ẩm thực Hà thành tại Công viên nước Hồ Tây.
Đợt biểu diễn gồm có chương trình ca múa nhạc tổng hợp của các nhạc sĩ, diễn viên, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam và Hội Nhạc sĩ Việt Nam, với những tiết mục xuất sắc, chọn lọc sáng tác về Hà Nội từ nhiều năm nay.
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa ký văn bản trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị miễn lệ phí thị thực cho khách quốc tế vào Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, trên cơ sở ý kiến thống nhất của Bộ Công an và Bộ Ngoại giao.
Đối tượng được miễn lệ phí thị thực vào Việt Nam là khách đi theo tour du lịch của các công ty lữ hành quốc tế tham gia Chương trình kích cầu du lịch Việt Nam năm 2010 “Việt Nam - điểm đến của bạn”, thời gian từ tháng 10 đến hết tháng 12-2010.
Thông tin từ Ban Quản lý dự án giao thông trục Láng - Hòa Lạc (cũ), ngày 25-9, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép gắn biển Đại lộ Thăng Long và tổ chức lễ thông xe trên tuyến đường này, chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Đây là tuyến giao thông hiện đại, giúp Hà Nội phát triển mạnh về phía Tây và Tây Nam, dài 28km, rộng (trung bình) 140m với 2 dải đường cao tốc mỗi dải 3 làn xe, bắt đầu từ đường Phạm Hùng đến ngã tư giao cắt với QL12, nối với đường Hồ Chí Minh. Cả 28km Đại lộ Thăng Long được trang bị 5 hàng đèn chạy suốt, tạo ra vẻ đẹp hiếm có cho đại lộ dài nhất Việt Nam, tính đến thời điểm này.
Nhóm PV
Hình ảnh Tiến sĩ Mộc Quế và Hoạt động của IDI Group với Mr.Kim Director Project Nam Sài Gòn Dự án ' Vành Đai Xanh, hậu cần phục vụ Sân bay Quốc tế Long Thành’
Ý kiến bạn đọc