Lực lượng vũ trang tại buổi tổng duyệt diễu binh, diễu hành chuẩn bị
cho mít tinh mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Cuộc diễu binh, diễu hành kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, với sự tham gia của 31.000 người. Trong đó, riêng khối diễu binh chiếm tới hơn 12.000 người là lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ, được chia làm 16 khối. Số còn lại là khối diễu hành và đông đảo quần chúng nhân dân tham dự trực tiếp tại khu vực Quảng trường Ba Đình.
Theo ông Tô Văn Động, người phát ngôn Bộ VH-TT-DL, thành viên Ban tổ chức buổi lễ cho biết, chương trình sẽ được chia làm 2 phần gồm lễ mít tinh và lễ diễu binh, diễu hành. Phần mít tinh sẽ mở đầu bằng phần rước đuốc của các vận động viên tiêu biểu Việt Nam. Theo kịch bản, ngọn lửa được lấy từ Bảo tàng Hồ Chí Minh và thắp lên đài lửa kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tiếp đó là lễ chào cờ và cùng thời điểm này sẽ bắn 21 loạt đại bác chào mừng, đồng thời đánh dấu một sự kiện trọng đại trong lịch sử của dân tộc.
Sau diễn văn kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lễ diễu binh sẽ được mở màn với màn trình diễn của 10 máy bay trực thăng mang cờ Đảng, cờ Tổ quốc và khẩu hiệu mang dòng chữ “Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”. Phía dưới mặt đất, khối nghi trượng bắt đầu tiến vào lễ đài, đi đầu là xe mang biểu tượng quốc huy, xe mang ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và khối mang cờ Đảng, cờ Tổ quốc...
Đặc biệt, để mọi người dân đều có thể theo dõi và cảm nhận không khí của ngày đại lễ, chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp vào lúc 7 giờ 45 phút sáng 10-10. Đồng thời, ban tổ chức đã lắp đặt 20 màn hình lớn tại nhiều điểm trên toàn thành phố để đưa những hình ảnh cận cảnh của lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành tới mỗi người dân.
Tối 10-10, thành phố Hà Nội sẽ tổ chức bắn pháo hoa phục vụ đồng bào thủ đô vui đón Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội tại tất cả 29 quận, huyện, thị xã.
Theo đó, thành phố tổ chức bắn pháo hoa tầm cao tại 4 điểm: hồ Hoàn Kiếm (gồm 2 vị trí trước Bưu điện Hà Nội và trước Trụ sở Báo Hà Nội Mới); vườn hoa Lý Tự Trọng (quận Tây Hồ), công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng), hồ Văn Quán (quận Hà Đông). Tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp tại 24 điểm ở các quận. Tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình (huyện Từ Liêm) sẽ có chương trình bắn pháo hoa nghệ thuật theo hình thức xã hội hóa, bắt đầu ngay sau khi kết thúc Đêm hội văn hóa nghệ thuật tối 10-10.
Đội hình diễu binh, diễu hành tập dợt chuẩn bị cho ngày đại lễ.
Chiều 28-9, tại Hà Nội, cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức chương trình thông tin trực tuyến “Chào đón Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến”. Tại buổi giao lưu, ông Phùng Hữu Phú, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo TƯ, Trưởng Tiểu ban Tuyên truyền Ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long nhấn mạnh, Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội không chỉ là ngày lễ trọng của Đảng, chính quyền và nhân dân thủ đô mà còn là sự kiện đặc biệt trọng đại của dân tộc.
Ông Nguyễn Trọng Tuấn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội cho biết, đến nay, công tác chuẩn bị cho đại lễ đã tương đối hoàn tất. “Chỉ còn 3 ngày nữa là khai mạc đại lễ. Đường phố đã được trang trí, trang hoàng lộng lẫy. Đặc biệt, trong 10 ngày đại lễ từ 1 đến 10-10, sáng mùng 1 là lễ khai mạc và đón nhận công nhận di sản thế giới đối với Hoàng thành Thăng Long. Ngoài ra, tất cả các công trình vật thể, phi vật thể đã được khánh thành và tiếp tục khánh thành trong 10 ngày đại lễ”, ông Tuấn khẳng định.
Vừa qua, để quảng bá hình ảnh thủ đô nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Việt Nam đã tổ chức nhiều đoàn, đặc biệt là có những đoàn đi UNESCO và nhiều nước trên thế giới để tuyên truyền. Việc quảng bá, theo ông Nguyễn Trọng Tuấn, không chỉ trong nước mà còn quảng bá ra nhiều nước trên thế giới. Chính phủ đã có đề án riêng, danh sách khách mời đã hoàn tất từ sớm. Vào ngày đại lễ, bên cạnh các đoàn nguyên thủ, Hà Nội cũng mời lãnh đạo các thủ đô ngàn năm tuổi và các thành phố, thủ đô có quan hệ hợp tác, các tổ chức quốc tế... Đặc biệt trong dịp khai mạc ngày 1-10, Tổng giám đốc UNESCO sẽ sang dự và trao Bằng công nhận Di sản thế giới cho Khu trung tâm di tích Hoàng thành Thăng Long.
(Nhóm PV, SGGP)
Báo Bình Dương đã kết hợp Hội Nông dân tỉnh tổ chức 8 buổi hội thảo thuộc dự án "Nông dân thành doanh nhân" ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Tham dự các lớp đào tạo có Tiến sĩ Mộc Quế, Chủ tịch phân viện nghiên cứu BiO – Nano tại TP.Hồ Chí Minh, đại diện hội nông dân các cấp, cùng gần 500 chủ...
Ý kiến bạn đọc