Theo đó, dù tiền trợ giá năm 2010 tăng 100 tỉ đồng so với năm 2009 (năm 2009 tiền trợ giá 600 tỉ đồng), nhưng sản lượng khai thác đang giảm đáng kể. Chỉ tính riêng chín tháng đầu năm 2010, số lượng hành khách do liên hiệp HTX Vận tải TP.HCM đã giảm khoảng 10% so với năm 2009.
Nhiều xe buýt bị hư hỏng, xuống cấp, vẫn đang được sử dụng để vận chuyển hành khách tại TP.HCM. Ảnh: Lê Quang Nhật |
Thực tế này hoàn toàn trái ngược với chỉ tiêu năm 2010 mà thành phố đặt hàng cho liên hiệp HTX này phải tăng sản lượng lên từ 17 – 19% so với năm 2009. Vậy đâu là nguyên nhân khiến sản lượng khai thác của dịch vụ vận tải hành khách bằng xe buýt giảm trong thời gian vừa qua?
Xuống cấp không phanh
Ngoài việc thường xuyên bị mất cắp tài sản vì đạo chích hoành hành, bỏ trạm, hoặc cự cãi với tiếp viên xe buýt vì thái độ thiếu lễ độ, hiện tại, hành khách đi xe buýt còn đang phải đối diện với việc liên tục bị… hành thể xác do xe buýt đang trên đà xuống cấp.
Ngày 25.9, chúng tôi bắt tuyến xe số 50 (trước kia mã số 07) chạy tuyến đại học Bách khoa (quận 10) – đại học Khoa học tự nhiên (Thủ Đức), biển số xe 53N–49... – đây là tuyến xe buýt nhanh được trợ giá, thuộc công ty Saigon Bus. So với nhiều tuyến xe buýt khác, tuyến xe buýt số 50 được đánh giá là xe buýt chất lượng cao. Thế nhưng, thực tế ghi nhận của chúng tôi trong suốt cuộc hành trình lại hoàn toàn trái ngược. Phương tiện đang xuống cấp trầm trọng, với hệ thống máy lạnh gần như không còn khả năng làm lạnh, ghế da ngồi lên chẳng khác ghế gỗ; cộng với việc tài xế chạy không thèm để ý đến “ổ gà, ổ voi” trên đường cứ thế nhấn ga, khiến có hành khách phải nôn thốc, nôn tháo.
“Trước đây, để đến trường, ngày nào em cũng đi xe buýt, nhưng hiện tại, kẹt lắm em mới sử dụng phương tiện này. Mỗi lần qua một “ổ gà”, tài xế không thèm giảm ga, nên cả chiếc xe như con ngựa sắt rung lên bần bật, hành khách bị nhấc lên rồi rơi tự do xuống chiếc ghế như khúc gỗ, chẳng khác nào đang bị tra tấn, ai mà chịu được”, Hoàng Vy, sinh viên khoa ngữ văn Anh, đại học Khoa học xã hội và nhân văn than.
Tương tự, trên một tuyến xe số 10 chạy tuyến đại học Quốc gia – bến xe Miền Tây, của công ty Saigon Bus – đây cũng được xem là tuyến xe có chất lượng hàng đầu. Thế nhưng, qua khảo sát thực tế trên các xe chạy tuyến này như xe 53N–42.., 53N–421.., vào chiều 25.9, chúng tôi chứng kiến có rất nhiều hành khách đi trên các tuyến xe này phàn nàn vì chất lượng xe xuống cấp. Thậm chí, có người vừa lên xe đã xuống vì không thể chịu được những cú sốc do hệ thống giảm xóc xuống cấp. Tài xế Văn T. Dũng chạy tuyến xe số 50, biển số xe 53N–49... thừa nhận: “Khi mới đi vào hoạt động, lượng khách đi trên tuyến xe này rất đông và luôn chật kín người. Thế nhưng, vì xe đang xuống cấp, nên trong nhiều tháng qua, khách đã giảm rõ rệt”.
Xe buýt nhanh đã vậy, xe buýt thường còn tồi tàn hơn rất nhiều, theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết hệ thống dàn lạnh ở các tuyến buýt đều hỏng hóc gần như không còn tác dụng; ghế ngồi ngoài việc cứng như gỗ còn bị rách, trông hết sức tơi tả; màu sơn xe thì bong tróc, động cơ xả khói đen mù mịt.
Ông Phùng Đăng Hải, thừa nhận: hầu hết số xe buýt hoạt động trên địa bàn TP.HCM hiện đã có tuổi thọ gần chục năm, nên cần phải đại tu. Tình trạng xuống cấp của các xe hiện nay thường gặp trên các tuyến xe buýt như: bến xe Miền Đông – Miền Tây; Chợ Lớn – Miền Đông; Sài Gòn – Thới An; Sài Gòn – Nhà Bè; Bình Khánh – Cần Giờ... Cụ thể, đơn vị của ông Hải có hơn 800 xe buýt, hiện có gần 20% số xe cần phải đại tu toàn bộ hệ thống máy lạnh, màu sơn, ghế ngồi, máy móc.
Tại anh, tại ả!
Theo sở Giao thông vận tải TP.HCM, để xảy ra tình trạng xe buýt xuống cấp là trách nhiệm của các đơn vị kinh doanh xe buýt, bởi lẽ, việc đại tu xe buýt là việc làm của các đơn vị kinh doanh xe buýt. Điều này trong đơn giá chi phí vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP.HCM do UBND TP.HCM phê duyệt để trợ giá cho các đơn vị vận tải đã tính đầy đủ các chi phí bảo dưỡng, sửa chữa theo quy định.
Đa số các doanh nghiệp kinh doanh xe buýt đều cho rằng, về nguyên tắc, mỗi tháng mỗi xe buýt phải trích ra khoảng 10 triệu đồng tiền khấu hao phương tiện (theo tỷ lệ phần trăm khai thác được). Tuy nhiên, theo ông Hải, với mức trợ giá và mức khoán như hiện nay, các đơn vị hoạt động xe buýt đang gặp nhiều khó khăn, thu không đủ chi, không có khả năng trả nợ cho số tiền vay đầu tư phương tiện, huống chi có vốn tích luỹ để tái đầu tư khi phương tiện hư hỏng lớn.
Cũng theo ông Hải, ngoài phần lỗi của chủ xe đã ăn vào tiền chi phí bảo dưỡng, để xảy ra tình trạng xe buýt xuống cấp ở các HTX xe buýt, còn có một phần lỗi không nhỏ của trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM. “Đến thời điểm hiện tại, trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM vẫn còn nợ chúng tôi 50% tiền trượt giá của năm 2009. Làm như vậy, nhà xe lấy đâu ra tiền để đại tu xe cộ”, ông Hải bức xúc.
Theo ông Hải, nếu 50% số tiền trượt giá tương đương với 30 tỉ đồng sớm được thanh toán ngay từ đầu năm 2010, các nhà xe của đơn vị ông hoàn toàn có khả năng đại tu 20% số xe đang xuống cấp (tiền sửa xe trung bình 50 triệu đồng/xe) và chắc chắn sẽ hạn chế tối đa được tình trạng xuống cấp của xe buýt, khiến sản lượng vận chuyển tụt giảm như từ đầu năm tới nay.
“Ngoài tỷ lệ phần trăm bắt buộc nhà xe phải dự trữ nhằm mục đích bảo dưỡng xe theo quy định, để xe buýt luôn được đàng hoàng và tươm tất, thành phố nên có chủ trương cho nhà xe được vay vốn ưu đãi để sửa chữa phương tiện nhằm thu hút hành khách đi xe buýt ngày càng nhiều”, ông Hải kiến nghị.
Đào Lê – Từ An – M.Q. Ấn
Kiểm tra xe buýt sai phạm: làm không xuể!
Ông Lê Hải Phong, giám đốc trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM khẳng định: “Các trường hợp vận chuyển hàng hoá cồng kềnh trên xe, nếu phát hiện được, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm những nhà xe vi phạm”. Tuy nhiên, ông Phong cũng thừa nhận, trên thực tế, dù đã rất cố gắng, nhưng lực lượng kiểm tra của trung tâm (kể cả nhân viên phối hợp của đơn vị vận tải) vẫn không thể quán xuyến hết được, bởi nhân lực còn hạn chế, chỉ có 30 người đảm trách việc kiểm tra cho toàn bộ các tuyến xe buýt tại TP.HCM.
Đừng nghĩ mình là người ban phát
Dưới góc độ tâm lý, chuyên gia tư vấn Huỳnh Văn Sơn, đại học Sư phạm TP.HCM cho rằng, việc tài xế, nhân viên có thái độ bất cần, thiếu thân thiện với hành khách đi xe buýt dẫn đến sản lượng giảm là do họ chưa chuyển biến về nhận thức, thái độ phục vụ khi cho rằng mình đang ban phát, mình đang phục vụ một nhóm người có điều kiện khó khăn, nên tình hình vẫn là một thực trạng đáng buồn.
trợ giá, năm 2010, tỉ đồng, so với, năm 2009, sản lượng, khai thác, hành khách, vận tải, xe buýt, xuống cấp, vận chuyển, thực tế, hoàn toàn, thái độ, hiện tại, chúng tôi, tuyến xe, số 50, chạy tuyến, đại học, số xe, chất lượng, thế nhưng, phương tiện, hệ thống, khả năng, tài xế, trên các, thừa nhận, hoạt động, đại tu, tình trạng, của các, đơn vị, ông hải, kinh doanh, chi phí
Hoạt động của tiến sĩ Mộc Quế, Kỷ lục gia thế giới ở Yên Bái:
Ý kiến bạn đọc