Hợp tác quản trị nhân tài Kỷ Lục

Trường tiểu học chuyển mình

Đăng lúc: Thứ ba - 09/11/2010 23:12 - Người đăng bài viết: admin
TT - Có đến 66 trường tiểu học ở TP.HCM đăng ký thực hiện thí điểm mô hình trường tiên tiến, hiện đại. Với mô hình này không chỉ nhiều trường tiểu học trong nội thành mà một số trường ở ngoại thành, vùng ven cũng đã “lột xác”...

 

Một tiết học vần của học sinh lớp 1/5 Trường tiểu học Lương Định Của, Q.3, TP.HCM. Trong ảnh: học sinh thể hiện niềm vui sau khi hoàn tất phần thảo luận nhóm - Ảnh: NHƯ HÙNG

Tiết tập đọc của học sinh (HS) lớp 3/1 Trường tiểu học Trương Văn Thành, Q.9 bắt đầu bằng lời gợi ý của cô giáo: “Tối qua các con đã tham dự lễ hội gì?” - cả lớp đồng thanh: “Dạ, lễ hội trung thu”. “Ngoài lễ hội trung thu ở trường, có bạn nào còn dự lễ hội gì nữa không?” - “Dạ, con đã dự lễ hội trái cây”, “Con dự ngày hội ẩm thực”, “Con dự ngày hội đua thuyền”... “Hôm nay cô và các bạn sẽ cùng tìm hiểu về một ngày hội thú vị của đồng bào Tây nguyên, đó là hội đua voi”...

Lớp học ở trường vùng ven nhưng có đầy đủ trang thiết bị hiện đại: tivi, laptop, màn hình rộng, bàn ghế HS thuộc dạng bàn ghế rời một bàn/HS... Suốt tiết học cô giáo Đặng Thị Thu Hằng chỉ viết mỗi tựa bài và một số từ khó đọc lên bảng, còn lại là những cái click chuột nhanh chóng và hiệu quả. “Trong bài có một câu khá dài nhưng lại ít dấu phẩy, khi đọc phải biết ngắt giọng, các bạn cho cô biết là đoạn nào?”.

Sau câu trả lời của HS, chỉ cần một cái click chuột trên màn hình hiện ra đoạn văn cùng sự hướng dẫn ngắt giọng của giáo viên. “Thưa cô con không hiểu từ “chiêng”. Lại một cú click chuột của cô giáo, trên màn hình hiện lên chiếc chiêng của người Tây nguyên một cách rõ nét. “Dạ con không hiểu từ man - gát”. Màn hình hiện ra ngay những người điều khiển voi trong một hội đua voi...

Vùng ven đổi thay

Theo thầy Nguyễn Đặng Hiền - hiệu trưởng Trường tiểu học Trương Văn Thành: “Cả trường có 1.444 HS thì 1.200 em được học bán trú. Có lợi thế diện tích rộng (9.600m2) nên chúng tôi dễ dàng bố trí phòng vi tính, phòng lab, thư viện, trang bị máy móc để giáo viên giảng dạy bằng giáo án điện tử... Từ năm trước trường đã thí điểm làm khu vườn sinh vật rộng hơn 100m2 với hồ cá, giàn mướp, các loại cây cảnh, hoa, rau... cho HS được “mắt thấy tai nghe” trong những tiết tự nhiên xã hội hoặc tập làm văn. Cuối tháng 9 này nhà thi đấu đa năng cũng sẽ khởi công xây dựng để giúp nhà trường thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện”.

 

“Tựu trung, nhà trường tiên tiến, hiện đại sẽ có những đặc điểm sau: sĩ số HS/lớp không quá đông, HS được học tập - sinh hoạt cả ngày trong trường, thầy cô giáo dạy học theo phương pháp cá thể hóa, phát huy được năng lực của từng HS...

Mục đích của chúng tôi là đào tạo con người mới năng động, tự tin, quan hệ tốt với cộng đồng, biết xử lý những tình huống bất ngờ, không hay trong cuộc sống... Trường tiên tiến, hiện đại sẽ đóng vai trò làm nhân tố phát triển và lan tỏa cho các trường khác trên địa bàn TP vươn lên hội nhập quốc tế”.

TS Huỳnh Công Minh (giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)

Không chỉ ở Trường Trương Văn Thành, nếu ghé qua Trường tiểu học Giồng Ông Tố (Q.2), Lương Thế Vinh (Q.7), An Phú 1 (Củ Chi)...cũng sẽ nhận ra ngay một “bộ mặt” khang trang, hiện đại từ phòng ốc đến các phương tiện phục vụ giảng dạy.

Nếu như trước đây vào thăm các trường tiểu học ở ngoại thành, vùng ven người ta thường gặp cảnh HS rụt rè, nhút nhát bỏ đi khi thấy người lạ thì bây giờ đã khác: hầu hết các em đều dạn dĩ, vòng tay lễ phép chào người lạ đến thăm trường và sẵn sàng làm “hướng dẫn viên” nếu khách có nhu cầu. Theo đánh giá của các giáo viên, đây chính là kết quả tích cực của phong trào đổi mới phương pháp giảng dạy mà các trường đã thực hiện từ mấy năm nay.

Mỗi tuần một lớp trưởng

Bàn ghế ở các lớp học đều được kê theo nhóm. Ở tất cả các môn học, HS đều ngồi học theo nhóm chứ không ngồi theo kiểu truyền thống là nhìn trực diện lên bảng. Giáo viên cũng không đứng cố định trên bục giảng mà liên tục di chuyển đến các nhóm để hướng dẫn, đôn đốc HS làm bài, học bài.

Các tiết học diễn ra trong không khí sôi động, ồn ào bởi sự hoạt động liên tục của HS thông qua các trò chơi, những lần thảo luận nhóm... Đó là những hình ảnh thường gặp tại Trường tiểu học Lương Định Của, Q.3.

Cô Vũ Thị Mỹ Hạnh - hiệu trưởng Trường tiểu học Lương Định Của - cho biết: “Phương pháp giảng dạy như trên đã được chúng tôi thử nghiệm từ nhiều năm trước. Năm học 2009-2010 bắt đầu thực hiện đại trà ở tất cả các lớp và tất cả các môn học, mặc dù một số phụ huynh lo ngại sức khỏe con em họ sẽ bị ảnh hưởng.

Đến năm nay phụ huynh đã hoàn toàn ủng hộ nhà trường. Tỉ lệ HS khá giỏi của trường vẫn không giảm sút, các em cũng không hề bị vẹo cột sống hay các loại bệnh khác như phụ huynh từng đặt vấn đề. Nhưng cái được nhất là HS học tập vui vẻ, các em trở nên năng động, dạn dĩ, khả năng nói trước đám đông và khả năng làm việc nhóm tốt hơn trước rất nhiều”.

“Em thích ngồi học theo nhóm như vầy hơn vì rất vui, được trao đổi với các bạn thoải mái và được làm nhóm trưởng nữa” - Phạm Hồ Uyên Linh, HS lớp 5/6 Trường Lương Định Của, nhận xét. Linh kể: “Mỗi bạn sẽ được làm nhóm trưởng một tuần. Hồi năm lớp 4, lần đầu tiên làm nhóm trưởng em rất tự hào vì được phát tập cho các bạn, điểm danh các bạn trong nhóm, nhắc nhở các bạn làm bài... Lần đầu tiên đại diện nhóm trình bày kết quả bài làm của mình trước lớp em run quá trời, phải nhờ bạn nhóm phó lên hỗ trợ. Bây giờ thì quen rồi, em có thể nói trước toàn trường cũng không ngại nữa”.

Cô Bùi Thị Ngọc Linh - giáo viên chủ nhiệm lớp 5/6 - phân tích: “Để thực hiện giáo dục cá thể hóa, chúng tôi xếp HS ngồi theo từng nhóm trình độ học lực để giao việc cho phù hợp. Tránh việc HS giỏi thì luôn làm việc còn HS yếu ngồi im chờ kết quả của bạn rồi tính chung cả nhóm. Mỗi em làm nhóm trưởng một tuần cũng mang ý nghĩa đó: để HS thụ động phải tích cực làm việc nhiều hơn.

Năm học 2010-2011 này ban giám hiệu trường còn cho mỗi HS làm lớp trưởng một tuần để các em cảm thấy mình phải có trách nhiệm hơn, phải cố gắng học tập, tự hoàn thiện mình để làm gương cho các bạn. Đây cũng là cách rèn luyện cho các em tập làm nhà quản lý”.

HOÀNG HƯƠNG


Nguồn tin: Tuổi trẻ
Từ khóa:

n/a

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Tin tiêu điểm

Giao lưu chuyên đề : "Đào tạo Nông dân thành Doanh nhân" số thứ 4

Chuyên đề “Đào tạo nông dân thành doanh nhân” ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao nhằm tập trung chia sẻ các kỹ năng cần thiết cho nông dân trong thời hội nhập nhằm ứng dụng tối đa khoa học - công nghệ để phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Do Báo Bình Dương Online đến nay được 4...

Bộ đếm

  • Phút online: 1.532
  • Tổng lượt truy cập: 26.906.813

Quảng cáo

Liên kết website