Hợp tác quản trị nhân tài Kỷ Lục

Vẫn thiếu điện !

Đăng lúc: Thứ ba - 09/11/2010 22:08 - Người đăng bài viết: admin
Từng giai đoạn đều xây dựng tổng sơ đồ điện nhưng cơ chế chỉ huy, điều hành chưa hiệu quả dẫn tới nhiều dự án xây dựng nguồn điện bị chậm tiến độ gây thiếu điện

Đầu tháng 10, các đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương về tình hình thực hiện dự án điện thuộc quy hoạch điện VI sẽ kiểm tra tiến độ thực hiện tại gần 50 dự án điện trong cả nước. Sau đợt kiểm tra này mới tổng kết về tiến độ thực hiện quy hoạch VI nhưng nguy cơ thiếu điện đã bộc lộ rõ.

Nhiều dự án chậm tiến độ

Trong một báo cáo gửi Ban Chỉ đạo Nhà nước về quy hoạch điện VI, Bộ Công Thương đã liệt kê tiến độ các nguồn điện vận hành từ nay đến năm 2012. Trong đó, có rất nhiều dự án chậm từ 1 đến 2 năm so với quy hoạch. Năm 2010, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) có nhiệm vụ đưa vào vận hành 15 tổ máy với tổng công suất 2.078 MW; khởi công 6 dự án tổng công suất 5.356 MW. Tổng vốn đầu tư xây dựng thực hiện trong năm 2010 là 58.606 tỉ đồng.

Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 9, tập đoàn này mới đưa vào vận hành 6 tổ máy thuộc 5 dự án nguồn điện với tổng công suất 900 MW; khởi công 4 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.156 MW. Giá trị  khối lượng thực hiện ước đạt hơn 31.000 tỉ đồng, bằng khoảng 53% kế hoạch đề ra.

Trong số các dự án nguồn điện vận hành năm 2010, dự án nhiệt điện Quảng Ninh 1 và nhiệt điện Hải Phòng 1 đã vận hành nhưng gặp trục trặc và chưa xác định được khi nào khắc phục xong. Trong đó, cả hai tổ máy của Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh 1 phát điện chậm tiến độ 13-21 tháng so với kế hoạch. Mục tiêu khởi động lại vào tháng 10 và tháng 11 tới đều có nguy cơ không thực hiện được.

Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng có tổ máy 1 hòa lưới từ cuối năm 2009, chậm 27 tháng, nhưng phải dừng do sự cố từ ngày 16-7-2010. Tổ máy 2 mới hòa đồng bộ băng than lần đầu vào tuần trước, quá trình chạy tin cậy chưa bắt đầu.

Để sớm đưa các tổ máy của các dự án nhiệt điện phía Bắc vào vận hành ổn định cũng như đẩy nhanh tiến độ các dự án nhiệt điện còn lại, EVN đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục trưng dụng vận hành các tổ máy nhiệt điện than (Hải Phòng, Quảng Ninh, Cẩm Phả, Sơn Động,...) trong thời gian chạy thử nghiệm trước khi cấp chứng chỉ vận hành tạm thời (PAC). Về cơ chế trưng dụng cụ thể, giao cho hai bên mua điện và bán điện cùng nhau thỏa thuận và thực hiện theo hợp đồng.

Tại giá thấp, thiếu nước?

Sau 23 năm, kể từ khi đi vào hoạt động, lần đầu tiên thủy điện Hòa Bình đã không mở cửa xả lũ vì nước về quá ít. Các hồ thủy điện ở phía Nam cũng không có lũ về. Hồ Thác Mơ, Hàm Thuận - Đa Mi, Trị An đang ở mực nước chết. Tình hình này cho thấy việc cấp điện mùa khô năm sau sẽ căng thẳng hơn. EVN kêu 6 tháng đầu năm nay đã chịu lỗ 4.700 tỉ đồng, đến thời điểm này lỗ khoảng 6.000 tỉ đồng vì phải mua điện giá cao.

Nếu không cải tiến cơ chế giá điện, không có cách gì cung cấp đủ điện vì các nhà đầu tư không có động lực kinh tế xây dựng nguồn mới. Bản thân EVN cũng không thuyết phục được ngân hàng cho vay vốn vì hiệu quả của dự án kinh doanh không thuyết phục.

Những năm gần đây, thiếu điện đang đe dọa nền kinh tế. Chưa có cơ quan nào đủ dữ liệu thống kê nền kinh tế mất đi bao nhiêu phần trăm tăng trưởng, doanh nghiệp mất đi bao nhiêu phần trăm doanh thu nhưng xã hội đã có phản ứng. Doanh nghiệp và chính quyền địa phương rục rịch kiện ngành điện vì cúp điện gây thiệt hại. Hai lý do chính được EVN chỉ ra là thiếu điện do thiếu nước và thiếu điện do giá bán điện quá thấp, không thu hút được đầu tư.

Thiếu nước không thể khắc phục được. Còn giá thấp là tại cơ chế, có thể khắc phục bằng cách đề xuất Chính phủ cho tăng giá và cách này đang được vận dụng triệt để, tất nhiên là có tính đến sức chịu đựng của nền kinh tế.

Còn những nguyên nhân khác rất quan trọng nhưng ít được nêu ra. Đó là trong mỗi giai đoạn đều xây dựng tổng sơ đồ điện, nhưng cơ chế chỉ huy, điều hành để đưa các dự án nguồn điện mới vào vận hành đúng tiến độ được duyệt còn nhiều vấn đề. Cơ chế điều hành kém hiệu quả nhưng chưa có một cơ quan chịu trách nhiệm chuyên trách giám sát và điều hành thực hiện các dự án nguồn điện.

Cơ cấu tổ chức ngành điện hiện tại còn nhiều bất cập, được tổ chức theo mô hình tích hợp dọc, gồm cả phát điện, truyền tải, phân phối, mua bán điện, điều hành hệ thống điện. Mô hình này đã không tạo ra môi trường minh bạch cho việc thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài vào các nguồn điện mới để bảo đảm hệ thống có đủ công suất với dự phòng cần thiết.

PHƯƠNG ANH


Nguồn tin: Người lao động
Từ khóa:

n/a

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Tin tiêu điểm

Khóa chuyên đề "Khởi sự Doanh nghiệp " đợt 1 năm 2013 tại huyện Lộc Hà

Những hình ảnh trong Khóa chuyên đề "Khởi sự Doanh Nghiệp " đợt 1 được tổ chức tại huyện Lộc Hà  vào ngày 16 tháng 8 năm 2013

Bộ đếm

  • Phút online: 1.599
  • Tổng lượt truy cập: 26.905.588

Quảng cáo

Liên kết website