Hợp tác quản trị nhân tài Kỷ Lục

Hồ đập Đầm Hà Động- Một công trình trí tuệ

Đăng lúc: Thứ sáu - 12/11/2010 01:07 - Người đăng bài viết: admin
Hồ đập Đầm Hà Động- Một công trình trí tuệ

Hồ đập Đầm Hà Động- Một công trình trí tuệ

Đầm Hà là tên huyện chúng tôi có từ xa xưa. Năm 1969 nhập với Hà Cối thành huyện Quảng Hà. Sau 32 năm sát nhập, năm 2001 lại tách ra, và cái tên huyện Đầm Hà lại rõ nét trên bản đồ Quảng Ninh từ đó. Là huyện miền núi với diện tích 42 nghìn ha, mà 80%là dành cho Sơn tinh.

Mưa! Trong  tiết trời đó, cuối tháng 7, chúng tôi theo Quốc lộ 18A từ thành phố Hạ Long đến với vùng Đông Bắc. Hạt mưa lúc to lúc nhỏ, lúc xối thẳng vào chúng tôi, lúc trờn vờn trên thành xe. Hình như mưa bù cho cơn bão số 1 đã không đủ nước trút xuống dải đất này như dự báo. Trên xe, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch huyện Đầm Hà vừa đăm chiêu nhìn mưa, vừa trầm bổng nói về huyện mình.

 Đầm Hà là tên huyện chúng tôi có từ xa xưa. Năm 1969 nhập với Hà Cối thành huyện Quảng Hà. Sau 32 năm sát nhập, năm 2001 lại tách ra, và cái tên huyện Đầm Hà lại rõ nét trên bản đồ Quảng Ninh từ đó. Là huyện miền núi với diện tích 42 nghìn ha, mà 80%là dành cho Sơn tinh. Ngọn núi Đại Hoàng Mô cao 1106m (cao nhất), cứ mỗi lần mưa thế này là cùng với những quả đồi khác, thi nhau thả nước đi. Để rồi nước qua những rạch sông kia, luồn qua những ngầm này, nhanh chóng ra với biển Đông.

Lại mưa to thêm rồi. Lượng mưa trung bình mỗi năm ở Đầm Hà tới 2000mm. Nếu chỉ đi tới đây một vài ngày thì chả mấy ai không nghĩ tới Đầm Hà lại dồi dào nước thế này. Chỉ có 35 nghìn người Kinh, Dao, Tày, Nùng, Sán Chay, Sán Dìu, Hoa…hết đời này, sang đời khác bám trụ sinh trưởng và lập nghiệp tại nơi đây, mới thấu hiểu: mưa thế này làm đất bị cuốn đi, lũ ống lũ quét thi nhau nhảy múa và kéo băng đi không ít nhà cửa, cầu cống thậm chí cả xe cộ, súc vật và con người nữa. Lúc mưa xối xả thế này, có mấy ai thích nước đâu. Vậy mà chỉ ít tháng nữa, sông suối cạn, cây cối co mình lại, lá rừng cũng nhỏ đi, đàn gà đàn vịt cũng hổn hển; thị trấn Đầm Hà đâu có màu xanh như lúc này. Khi ấy ai cũng cầu mong có nước. Làm sao giữ được nước mưa này, cất đi để đến mùa khô hạn cấp lại cho người vui lên, cây xanh thêm, hoa nở trái kết, gà vịt tung tăng?

Là huyện có truyền thống văn hóa lâu đời, có nhiều di tích lịch sử, có tiềm năng du lịch, có thế mạnh núi đồi liền kề với biển cả, nhưng Đầm Hà lại có xuất phát điểm thấp, hạ tầng cơ sở yếu, nguồn lực ít. Làm sao phát triển sánh vai với các huyện khác trong tỉnh? Đi theo hướng đột phá nào? Những năm đầu thế kỷ 21, Đầm Hà suy nghĩ và quyết định trong nhiều năm trước mắt, phải đi lên từ cây lúa, cây sắn, con lợn, con gà; phải xanh hóa núi đồi; phải có được nhiều con tôm con cua, cá nước lợ, nước mặn. Có được hướng rồi, nhưng bắt đầu từ đâu? Chúng tôi bàn bạc từ thôn xóm, từ xã….Và thấy cái cần đầu tiên là cơ sở hạ tầng, là điều hòa nguồn nước.

Đầm Hà có một con sông lớn, cũng mang tên Đầm Hà bắt nguồn từ núi cao phía Bắc. Sông dài 25km, độ dốc 2,21%. Mùa mưa thì lũ lớn (lưu lượng tới hàng nghìn m3 nước). Mùa kiệt, đi trên bờ tinh mắt lắm mới nhìn thấy nước dưới sông.

Đúng lúc ấy, chúng tôi nhớ đến những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Trường Đại học Thủy Lợi đã về đây khảo sát, nghiên cứu để giúp huyện giải bài toán xuất phát điểm cho kinh tế xã hội ở Đầm Hà. Có những đợt, cả đoàn cán bộ đã phải ngủ lại trong rừng vì lũ về lớn quá, ngập hết các ngầm, không còn lối đi ra. Và thế là chúng tôi đến với Trường.

Năm ấy (năm 2001) Công ty Tư vấn và Chuyển giao công nghệ của Trường vừa thành lập, được giao nhiêm vụ tập hợp lực lượng cán bộ khoa học, kỹ thuật của Trường triển khai tư vấn xây dựng Hồ Đập Đầm Hà Động. Từ ngày đầu đến ngày khánh thành, nguyên giám đốc Công ty Nguyễn Phương Mậu (cũng là chủ nhiệm công trình), Các phó Giám đốc Nguyễn Văn Huấn,  Dương Bá Hiền (hiện là giám đốc), các kỹ sư Đặng Xuân Oai,  Lê Đình Vinh… cùng các chuyên gia thủy công, kết cấu, cửa van…của Trường Đại học Thủy lợi đã thường xuyên đến với Đầm Hà. Lúc ở thực địa, khi ở trong phòng nghiên cứu. Các anh, các chị đã từng bước giải quyết những vấn đề kỹ thuật hóc búa của cụm công trình đầu mối. Nào là tính lũ theo phương pháp nào cho chuẩn (tính ra lũ lớn quá thực tế thì không kinh tế, bé quá có thể mất an toàn). Tuyến đập nên đặt vào bờ vai nào của quả đồi nào? Đập một loại đất hay nhiều khối? Mái đập được bảo vệ ra sao khi sông Đầm Hà chảy tới hồ gần như song song với tuyến đập chính? Chống thấm cho nền cuội sỏi của đập theo kiểu gì? Cống lấy nước dùng loại có áp hay bán áp? Tràn xả lũ có van hay không? Sau tràn nên chọn bể hay mũi phóng nước ra xa?.

Ngoài tìm phương pháp hiệu quả, an toàn, kinh phí hợp lý cho đầu mối, các nhà tư vấn của Công ty Đại học Thủy lợi còn phối hợp giúp đỡ đơn vị tư vấn Quảng Ninh giải quyết các vấn đề bất cập nảy sinh trong quá trình thiết kế và thi công hai tuyến kênh chính dài 15,8km, 9 tuyến kênh nhánh cấp I dài 44,16km và hàng chục công trình trên kênh để kịp đảm bảo đưa nước từ hồ về với từng bản làng, thôn xóm.

Câu chuyện với lãnh đạo huyện Đầm Hà, dẫn chúng tôi về với quá khứ, lại ngắm hiện tại; vừa hồi tưởng lại vừa suy tư cho ngày mai. Chả mấy chốc, theo con đường bê tông ngược dòng sông Đầm Hà, chúng tôi đã tới Hồ Đập Đầm Hà Động. Một cảnh hùng vĩ đan xen giữa công trình hiện đại, to lớn nhất huyện với dáng núi, áng mây, màu xanh cây lá hòa với màu xanh nước hồ…tất cả đã làm chúng tôi quên đi cái mệt của cuộc hành trình.

Đầu mối Hồ Đầm Hà Động được xây dựng trên sông Đầm Hà, tại xã Quảng Lợi, huyện Đầm Hà. Hồ có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho 3500ha đất canh tác, tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho 29.000 người, cắt chậm lũ, nuôi trồng thủy sản, cải tạo khí hậu, tạo tiềm năng du lịch. Diện tích lưu vực 68,5 km2, cao trình đáy hồ: +33,0m; cao trình mực nước chết (MNC) +47,5m; dung tích chết 2013.103m3 ; cao trình mực nước dâng bình thường (MNDBT) +60,7m; dung tích hữu ích 12,3 triệu m3; cao trình mực nước lũ thiết kế +62,69m; cao trình mực nước lũ kiểm tra +63,99m.

Cụm công trình đầu mối gồm: một đập chính, 3 đập phụ, một tràn xả lũ, cống lấy nước, khu nhà vận hành và quản lý.

Chúng tôi cùng lãnh đạo huyện phấn khởi, tự hào ngắm cảnh thiên nhiên hữu tình bên công trình. Nhưng những ai đang nghĩ: bao nhiêu phương án đã đưa ra để so sánh và chốt chọn thiết bị chống thấm cho đập? Công nghệ nào để cột nước trước van như hiện nay 5m mà không một giọt nước nào len qua kẽ van về hạ lưu? Điều đó đâu có là tự nhiên. Tất cả là trí tuệ của người thủy lợi trong Công ty Tư vấn – Trường Đại học Thủy lợi.

Và mưa! Mưa trên vùng này giờ không còn vô tư theo suối nhỏ ra sông về với biển. Nước đã họp nhau lại trong lòng hồ thoáng, đẹp. Để rồi mùa hạn tới, nước theo kênh về với từng hộ dùng nước, đem đến cho sự sống thêm phát triển.

Công trình Đầm Hà Động đã góp phần đắc lực cho huyện Đầm Hà mỗi năm có sản lượng lương thực tăng thêm 17.000 tấn; thêm 1.000 ha rừng được trồng mới, giúp tăng thêm 550ha nuôi trồng thủy sản với sản lượng gần 4000 tấn. Quan trọng hơn là người dân Đầm Hà thấy lòng mình an tâm, thấy cuộc sống thi vị hơn, ấm áp hơn bởi có nước điều hòa với đất cùng chiều lòng người. Đó là tâm sự của lãnh đạo huyện Đầm Hà.

Còn chúng tôi ngoài vui với cái vui của người Đầm Hà, đang liên miên nghĩ về sự ra đời và trưởng thành của Trường Đại học Thủy Lợi hơn 50 năm qua, nghĩ về Công ty Tư vấn của trường. Mười năm qua Công ty đã có hàng chục công trình kết tinh trí tuệ của tập thể những nhà khoa học, công nghệ. Mười năm tới chắc chắn sẽ có nhiều công trình, dự án, đề tài sáng tạo hơn thành hiện thực không chỉ trên đất nước Việt Nam. Đó là hội nhập và phát triển của Công ty, của trường Đại học Thuỷ lợi.

MỘT SỐ THÔNG SỐ VÀ HÌNH ẢNH
VỀ CỤM CÔNG TRÌNH ĐẦU MỐI HỒ ĐẦM HÀ ĐỘNG

Cụm công trình đầu mối gồm: một đập chính, 3 đập phụ, một tràn xả lũ, cống lấy nước, khu nhà vận hành và quản lý.

 

 Ảnh 1. Toàn cảnh hồ đập

Đập chính là loại đập đất hai khối; chân khay cắm qua tầng cuội sỏi để chống thấm, thoát nước ống khói; bảo vệ mái thượng lưu đập là các tấm bê tông đúc sẵn, bảo vệ mái hạ là trồng cỏ. Đỉnh đập ở cao trình +64,5m, rộng 6m, dài 244m; chiều cao đập ở vị trí hồ sâu nhất là 31,5m; trên đỉnh đập có tường chắm sóng cao 0,8m.

Các đập phụ đều là đập đất nhiều khối

 

Ảnh 2. Một trong những đập phụ 

Cống lấy nước có áp, phía thượng lưu là hình hộp, phía hạ lưu là ống tròn bằng thép bọc bê tông cốt thép. Cao trình đáy cửa vào thấp hơn MNC là 3m, lưu lượng thiết kế qua cống 4,9m3/s được điều chỉnh bằng van côn ở hạ lưu.

 

Ảnh 3. Cống lấy nước 

Tràn xã lũ đặt ở vai trái đập. Ngưỡng tràn thấp hơn MNDBT 6,7m. Tràn ngưỡng thực dụng gồm 3 cửa, mỗi cửa rộng 9m, van cung đóng mở bằng xi lanh thủy lực, tiêu năng bằng bể tường kết hợp dài 40m, chiều sâu bể 2,0m, tường 1 cao 0,8 m, tường 2 cao 1,4 m. Sân sau dài 30 mét

 

Ảnh 4. Nhìn từ hạ lưu tràn xả lũ 

 

Ảnh 5. Cận cảnh cửa van đảm bảo khít nước 

Bài và ảnh: Việt Bắc

(nguồn www.wru.edu.vn)

Tác giả bài viết: Nguyễn Lâm
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Tin tiêu điểm

Hoạt động của tiến sĩ Mộc Quế, Kỷ lục gia thế giới hỗ trợ APEC 2006

Hoạt động của tiến sĩ Mộc Quế, Kỷ lục gia thế giới hỗ trợ APEC 2006:

Bộ đếm

  • Phút online: 1.458
  • Tổng lượt truy cập: 25.701.243

Quảng cáo

Liên kết website