Năm 2005, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam (VIETBOOKS), công bố các kỷ lục quốc gia của tỉnh Bến Tre, khởi đầu cho việc tìm kiếm và xác lập các kỷ lục của địa phương, trong đó có một kỷ lục về dừa là: “Nơi có diện tích trồng dừa và sản lượng dừa lớn nhất Việt Nam”. | | | Cây dừa được trồng tại 93 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với diện tích khoảng 12 triệu ha (APCC, 2005), trong đó trên 80% diện tích trồng dừa thuộc các nước Đông Nam Á và Nam Á. Tại Việt Nam, theo số liệu của ngành Dầu thực vật (năm 2005) thì diện tích trồng dừa đạt khoảng 147.210 ha, tập trung chủ yếu ở ĐBSCL chiếm trên 75%, các tỉnh Nam trung bộ (từ Đà Nẵng trở vào) gần 20% (chỉ sấp sỉ khoảng hơn 1% diện tích trồng dừa của thế giới); Tuy nhiên, theo Hiệp hội Dừa Châu Á - Thái Bình Dương đánh giá thì giá trị sử dụng và giá trị tăng thêm của dừa Việt Nam tương đương với diện tích 1 triệu ha. Theo số liệu của Cục Thống kế Bến Tre, năm 2005 Bến Tre có 37.595 hecta dừa, với sản lượng 258,8 nghìn tấn (trung bình 221 triệu trái mỗi năm), dừa trở thành cây đặc sản hàng đầu của tỉnh Bến Tre. Đặc biệt, cây dừa và công nghiệp chế biến dừa đóng vai trò rất lớn trong cơ cấu kinh tế, xã hội của tỉnh Bến Tre. Các giống dừa phổ biến có: dừa ta, dừa xiêm, dừa Tam Quan... Được vậy, là do thổ nhưỡng ở Bến Tre rất thích hợp cho sự phát triển của cây dừa. Nhất là ở vùng nước lợ nơi hạ lưu, dừa cho trái dày cơm, hàm lượng dầu cao hơn so với dừa của các tỉnh trong cả nước. Để phát huy hơn nữa lợi thế từ dừa, Bến Tre cần có chiến lược cụ thể để phát triển ngành dừa, nâng cao chuỗi giá trị cây dừa. Những năm gần đây, Bến Tre đã có các chương trình, dự án đầu tư, cải tạo trồng mới, thâm canh tăng năng suất, nâng cấp công nghệ trồng trọt và chế biến để tăng sản lượng và chất lượng dừa, như: - Dự án “Du nhập trồng và phát triển 500ha dừa dứa tại Bến Tre” với tổng vốn đầu tư 1,917 tỷ đồng, trong đó vốn sự nghiệp KHCN là 814 triệu đồng, vốn dân 1,103 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2006 đến 2009. - Dự án trồng mới 5.000ha vườn dừa, đã hỗ trợ cho gần 13.000 hộ dân thuộc 55 xã của các huyện: Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm, Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú trồng mới 4.590ha, trong đó có 580ha dừa uống nước với tổng kinh phí thực hiện là 2,3 tỷ đồng. - Một dự án khác là xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm khôi phục và đầu tư thâm canh vườn dừa ở Bình Đại từ Chương trình chuyển giao khoa học công nghệ (KHCN) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, do Bộ KHCN đầu tư cũng được Sở KHCN triển khai. Sau 2 năm thực hiện Dự án có 165 hộ nông dân tham gia, đã trồng mới 56ha dừa, cải tạo và thâm canh vườn dừa cũ, kém hiệu quả với diện tích 30ha. Kết quả bước đầu cho thấy năng suất tăng thêm từ 5-6 trái/cây/năm. Đồng thời, Dự án cũng đã xây dựng vườn ươm cộng đồng của 5 xã vùng dự án với diện tích 1.000ha, để cung ứng giống cho nhà vườn. - Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư thuộc Sở NN&PTNT cũng đã triển khai Dự án thâm canh 1.000ha vườn dừa kém hiệu quả tại 12 xã của các huyện: Châu Thành, Giồng Trôm, Bình Đại, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, có 2.160 hộ tham gia Dự án với tổng kinh phí trên 23 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng của người dân trên 22 tỷ đồng. - Mới đây, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt chủ trương triển khai dự án “Cải tạo vườn dừa kém hiệu quả” giai đoạn 2012-2016, do Sở NN&PTNT tiếp tục làm chủ đầu tư, với diện tích 5.000ha, kinh phí 12 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Mục tiêu của Dự án là cải tạo vườn dừa kém hiệu quả và hướng dẫn nhà vườn cách chăm sóc, bón phân, phòng trừ dịch hại trên cây dừa. Dự án thực hiện tại các huyện: Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Châu Thành, Thạnh Phú, Giồng Trôm và thành phố Bến Tre. Các chương trình, dự án đầu tư cho cây dừa bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực cho nhiều hộ dân trồng dừa, hiệu quả kinh tế - xã hội đem lại rõ rệt. Đặc biệt, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2011, toàn tỉnh đã trồng mới hơn 416ha. Diện tích vườn dừa phát triển mạnh ở một số vùng nước lợ thuộc các xã cánh Tây của các huyện: Ba Tri, Thạnh Phú, Bình Đại. Nâng diện tích dừa của tỉnh Bến Tre đến năm 2011 là 55.870 hecta, trong đó có 44.098 hecta đang cho thu hoạch, chiếm trên 43,6% diện tích dừa của vùng và khoảng trên 35% diện tích dừa của cả nước. Sản lượng dừa trái thu hoạch 427,90 nghìn tấn (sản lượng hàng năm khoảng 430 triệu trái), góp phần hình thành nên vùng nguyên liệu cung ứng cho ngành công nghiệp chế biến dừa phát triển và trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh. Đối với Bến Tre, cây dừa có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Có 163.082 hộ tham gia trồng dừa, chiếm khoảng 40% dân số toàn tỉnh. Giá trị sản xuất cây dừa chiếm khoảng 20%/giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Toàn tỉnh có hơn 1.600 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh các sản phẩm từ dừa; hàng năm giải quyết việc làm cho hơn 17.250 lao động. Năm 2011, giá trị các sản phẩm chế biến từ dừa chiếm trên 17%/giá trị sản xuất của ngành công nghiệp chế biến; kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa đạt 159,3 triệu USD, chiếm khoảng 43,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh; các sản phẩm từ dừa đã xuất khẩu đến khoảng 94 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới… Tỷ trọng giá trị gia tăng của ngành dừa (gồm sản xuất, chế biến, thương mại) chiếm 13,3% GDP của tỉnh. Hy vọng, các chương trình, dự án đầu tư, cải tạo trồng mới, thâm canh tăng năng suất, nâng cấp công nghệ trồng trọt để tăng sản lượng và chất lượng dừa, sẽ góp phần phát triển ổn định vùng dừa công nghiệp, quy hoạch cân đối giữa sản lượng dừa trái nguyên liệu và sản lượng dừa trái dành cho xuất khẩu, đa dạng hóa sản phẩm chế biến theo hướng thích hợp và tạo ra những sản phẩm mới có hàm lượng công nghệ giá trị cao, nhằm nâng cao chuỗi giá trị dừa Bến Tre, để phát huy hơn nữa lợi thế từ dừa, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng dừa và giữ vững vị trí kỷ lục: “Có diện tích trồng dừa và sản lượng dừa lớn nhất Việt Nam”. HHD BẾN TRE | | | | | |
Ý kiến bạn đọc