Theo tư liệu lịch sử – “Gia Định Thành Thống Chí” của Trịnh Hoài Đức, thì nghề sơn mài ở Bình Dương có từ thế kỷ 17, do di dân từ miền Trung, miền Bắc mang theo vào vùng đất mới. Sau thời gian khai khẩn đất đai, đồng áng, sinh cơ lập nghiệp, họ đã thực hiện những bức tranh sơn mài đầu tiên – chủ yếu quét sơn vẽ tranh cảnh. Những bức vẽ cây đa, bến nước, mái đình, tre làng, … được tái hiện trên tranh giúp họ vơi đi nổi nhớ quê nhà…
Theo nguồn sử liệu địa phương thì đến giữa thế kỷ 18, lớp lưu dân từ miền Bắc, từ xứ Ngũ Quảng xa xôi đã xuôi theo dòng sông Sài Gòn đến tụ cư, lập nghiệp ở huyện Bình An (Thủ Dầu Một). Trong số đó, có nhiều người tìm về vùng đất Tương Bình Hiệp cùng hợp sức khai phá đất, làm nông nghiệp dọc theo triền sông Sài Gòn. Mãi đến năm 1861, khi Pháp chiếm huyện Bình An thì địa danh Tương Bình Hiệp mới xuất hiện và trở thành một trong mười xã thôn của tổng Bình Thổ thuộc tỉnh Thủ Dầu Một.
Đường vào làng nghề ngày nay (ảnh sưu tầm)
Đến cuối thế kỷ 18, theo dòng di dân, nhiều lớp thợ sơn mài từ đất Quảng Bình, Thuận Hóa đã mang theo nghề sơn vào tận xứ Đồng Nai, Gia Định trong đó có Tương Bình Hiệp. Tuy nhiên, Tương Bình Hiệp, thoạt đầu mới chỉ có một vài hộ chuyên làm sơn son thếp vàng và pha chế sơn then. Về sau, làng nghề Tương Bình Hiệp dần dần phát triển, thợ Thủ sơn mài trở nên nổi tiếng khắp vùng Nam Kỳ lục tỉnh.
Một xưởng sơn mài của làng nghề (ảnh sưu tầm)
Thập niên 50 của thế kỷ trước, với sự xuất hiện của xưởng sơn mài Thanh Lễ do hai ông Trương Văn Thanh và Nguyễn Thanh Lễ gây dựng đã tạo nên một mốc son mới cho chiếc nôi sơn mài Tương Bình Hiệp. Với sự đóng góp của những nghệ nhân tài hoa, xuất sắc đã góp phần đưa loại hình sơn mài bước sang một giai đoạn mới, mẫu mã sản phẩm ngày một đa dạng, nổi tiếng. Nhiều cơ sở sơn mài mọc lên, sản phẩm ngày càng phong phú, đa dạng đáp ứng được thị hiếu thẩm mỹ, nhu cầu sử dụng của khách hàng và Tương Bình Hiệp trở thành một thương hiệu nổi tiếng.
Sơn mài gồm nhiều thể loại như: sơn lộng; sơn mài vẽ lặn, vẽ phẳng, vẽ nổi, thếp vàng bạc, sơn mài cẩn ốc, cẩn trứng và sơn khắc,… Sơn mài Tương Bình Hiệp không chỉ là hàng hóa mỹ nghệ đơn thuần mà đã có rất nhiều sản phẩm đạt tới chất lượng cao về nghệ thuật. So với một số nơi khác, sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp đa dạng hơn về mẫu mã, đặc biệt là chất lượng có phần ưu việt. Theo một số chuyên gia, sơn mài Tương Bình Hiệp chịu đựng được khí hậu vùng hàn đới Châu Âu, không bị bong nứt hoặc biến dạng.
Các sản phẩm sơn mài của làng nghề luôn được đánh giá cao về mẫu mã và chất lượng (ảnh sưu tầm)
Trong những năm vừa qua, sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp chịu sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, nhiều doanh nhân, nghệ nhân đã co những biện pháp để sản xuất sơn mài hàng loạt. Mẫu mã trở nên luôn luôn mới, đáp ứng cho mọi loại hợp đồng và khách hàng trong, ngoài nước. Tuy nhiên, trong cái nhộn nhịp của thị trường sơn mài áp dụng kỹ thuật mới, sơn mài truyền thống làm từ chất liệu sơn ta đang thiếu vắng dần.
Có thể nói trăn trở về một làng nghề truyền thống đang dần mai một và liệu ngày mai, trong dòng chảy cuộc sống hiện đại, kỹ thuật dùng sơn ta trong quy trình sản xuất sơn mài còn giữ được sức sống của nó?
Ý kiến bạn đọc