An Giang cần cải thiện môi trường đầu tư, cơ sở hạ tầng, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để trở thành địa phương dẫn dắt tăng trưởng kinh tế vùng ĐBSCL.
Tỉnh An Giang đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 25 dự án ở 5 lĩnh vực: Nông nghiệp, thương mại - dịch vụ - du lịch, công nghiệp, xây dựng - đô thị, y tế; trao cam kết đầu tư cho 9 nhà đầu tư với tổng vốn dự kiến trên 132.000 tỉ đồng. Sự kiện này diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2018 với chủ đề "An Giang - Kết nối cơ hội, hợp tác thành công", tổ chức sáng 15-12 tại TP Long Xuyên.
Không ngừng cải thiện môi trường đầu tư Tại hội nghị, ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết tỉnh đang tiếp tục mời gọi đầu tư cho 60 dự án thuộc một số lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu tại hội nghị"
Các dự án sẽ giải quyết việc làm, tăng nguồn thu cho địa phương, đồng thời góp phần cho công tác an sinh xã hội của tỉnh. Trong hội nghị, quỹ an sinh xã hội của tỉnh tiếp nhận trên 34 tỉ đồng từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư và các tổ chức, cá nhân" - ông Thạnh phấn khởi.
Chúc mừng An Giang đã cấp giấy phép, chứng nhận đầu tư, ký biên bản ghi nhớ đầu tư với hơn 132.000 tỉ đồng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng chủ đề hội nghị có 2 từ khóa rất quan trọng là kết nối và hợp tác. "Tất cả chúng ta hãy cùng nhau hành động nhất quán theo tinh thần đó" - Thủ tướng đề nghị.
Với vị trí địa lý đầu nguồn sông Cửu Long, An Giang cùng Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau được ví như "4 con tuấn mã dẫn dắt tăng trưởng kinh tế cả vùng". Do vậy, Thủ tướng cho rằng An Giang cần không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, trong đó đặc biệt lưu tâm 2 vấn đề là chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng. Qua đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao nền tảng công nghiệp chế biến sâu, tương xứng với tiềm năng và lợi thế tự nhiên trong nuôi trồng thủy sản, nông sản, hướng tới nông nghiệp 4.0.
Đừng để thành nơi quá cảnh
Bàn về tiềm năng phát triển du lịch An Giang, PGS Guillaume Van Grinsven (Hà Lan) cho rằng du lịch tỉnh này có tiềm năng rất lớn nhưng chỉ là khách quá cảnh chứ không lưu trú. Ông thông tin có hơn 4 triệu khách đi ngang An Giang mà không có cơ hội thăm Khu Du lịch Núi Sam hay rừng tràm Trà Sư.
"Đa phần khách du lịch hiện nay đều thích những tour trải nghiệm an toàn, phiêu lưu gắn với văn hóa. Tôi nghĩ tất cả những vấn đề này An Giang đều đang sở hữu" - ông Guillaume Van Grinsven nhận định và đề nghị tỉnh nghiên cứu các giải pháp để giữ chân du khách. Nếu không, du lịch An Giang vẫn mãi như "nàng công chúa ngủ trong rừng".
Nhận định An Giang là nét chấm phá trong bức tranh du lịch Mê Kông, là bảo tàng sinh thái tự nhiên và văn hóa độc đáo của ĐBSCL, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng sứ mệnh của An Giang là phải mở mang tầm nhìn của du khách về vẻ đẹp tiềm ẩn của Việt Nam. Thủ tướng kỳ vọng với những huyền thoại và linh thiêng, Thất Sơn và núi Sam sẽ trở thành những biểu tượng về du lịch tâm linh; là niềm tự hào và tôn kính cần bảo tồn, lan tỏa của không chỉ người dân An Giang, vùng ĐBSCL mà còn trong lòng du khách ASEAN và toàn cầu.
Làm đại lộ để có đại phú Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ công bố cho các nhà đầu tư định hướng quy hoạch giao thông đối với An Giang với mong muốn "phải tìm cách làm đại lộ để có đại phú". Trong đó, về đường bộ, đối với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 54 km, Thủ tướng cho biết Chính phủ đang tháo gỡ vướng mắc cơ chế chính sách về lãi suất cho dự án để bảo đảm tiến độ cơ bản thông xe toàn tuyến vào cuối năm 2020, hoàn thành vào năm 2021.
"Tuyến TP HCM, Trung Lương, Mỹ Thuận, Cần Thơ đến Cà Mau là tuyến tôi day dứt rất nhiều. Tôi đã cùng thảo luận với các thành viên Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ. Đây là mong mỏi của nhân dân ĐBSCL" - Thủ tướng bày tỏ.
Với cầu Vàm Cống, Thủ tướng cho biết sẽ khắc phục sự cố nứt dầm và hoàn thành thi công toàn bộ khối lượng còn lại trong tháng 3-2019.
Ý kiến bạn đọc