Hợp tác quản trị nhân tài Kỷ Lục

Catherine Juillerat và những cuộc thám hiểm trên vải ở toàn cầu

Đăng lúc: Thứ sáu - 22/02/2019 09:42 - Người đăng bài viết: Quản trị
Catherine Juillerat và những mẫu thêu thu thập từ Việt Nam cho dự án kết nối phụ nữ toàn cầu - Ảnh: KIỀU BÍCH HẬU

Catherine Juillerat và những mẫu thêu thu thập từ Việt Nam cho dự án kết nối phụ nữ toàn cầu - Ảnh: KIỀU BÍCH HẬU

TTO - Một dự án kết nối thật nhiều phụ nữ trên thế giới có kỹ năng thêu, khâu đang được nữ nghệ sĩ người Pháp Catherine Juillerat thực hiện, khởi đi từ một nguồn cảm hứng trong lúc đang triển lãm tranh tại Việt Nam.

TTO - Một dự án kết nối thật nhiều phụ nữ trên thế giới có kỹ năng thêu, khâu đang được nữ nghệ sĩ người Pháp Catherine Juillerat thực hiện, khởi đi từ một nguồn cảm hứng trong lúc đang triển lãm tranh tại Việt Nam.


Catherine Juillerat và những mẫu thêu thu thập từ Việt Nam cho dự án kết nối phụ nữ toàn cầu - Ảnh: KIỀU BÍCH HẬU
Ấn tượng đầu tiên của tôi là người Việt Nam dường như không bao giờ ngừng làm việc. Họ thật can đảm và mạnh mẽ. Tôi khâm phục sự tôn kính của người Việt đối với cha mẹ và những người cao tuổi. Đó là một giá trị nhân văn quan trọng mà không may đang dần mai một ở các nước phương Tây.
Nghệ sĩ Catherine Juillerat
Giới nghệ thuật Việt Nam gọi Catherine Juillerat là "Người đàn bà nghịch vải". Còn người viết muốn gọi chị là "Bà chúa cảm xúc". Bởi, bất cứ khi nào, trước tình cảm, vẻ đẹp hay thậm chí là một hành vi xấu, người phụ nữ Pháp này cũng lập tức rơi nước mắt.
Chỉ có điều, chị đã biến tất cả những xúc cảm đó thành tác phẩm, và từ tác phẩm lại đan dệt, kết nối con người khắp thế giới lại với nhau.
Từ nhỏ, Catherine Juillerat đã bị cuốn vào những việc mang đậm tính nữ như thêu thùa, khâu vá, đan lát. Tất nhiên, chị không ngờ rằng sau này khi trưởng thành, việc khâu vá, đan lát, thêu thùa của chị lại tập trung cho nghệ thuật sáng tác tranh vải.
Đến Việt Nam năm 2009 cùng với một nhóm phụ nữ đam mê tranh vải và nghề dệt vải thủ công, nhiều lần sau đó Catherine Juillerat tiếp tục trở lại Việt Nam - một đất nước mà theo chị "cho dù điều kiện sống có thể chưa thoải mái, nhưng lại có rất nhiều lòng tốt và sự nồng hậu".
Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện với Catherine về mối lương duyên với tranh vải và cuộc thám hiểm tranh vải ở Việt Nam.
Cuộc thám hiểm trên vải
* Thưa chị, cuộc triển lãm tranh vải của chị và nữ nghệ sĩ Thanh Thục mang tên "Kết nối" diễn ra tại Hà Nội trong năm 2018 đã mang đến cho chị những trải nghiệm nào?
- Đó là cuộc triển lãm tranh vải đầu tiên của tôi tại châu Á. Trước khi làm triển lãm, tôi không có đủ thông tin về thẩm mỹ cũng như sự hiểu biết hoặc quan điểm của người Việt Nam về nghệ thuật tranh vải.
Do đó tôi quyết định đưa vào triển lãm những tác phẩm đa dạng về nội dung và chủ đề, để trải nghiệm phản ứng của người thưởng lãm. Và chính cuộc triển lãm tranh vải ở Hà Nội đã tạo cảm hứng cho tôi tập trung sâu hơn cho việc sáng tác loại hình nghệ thuật này để tiếp tục làm triển lãm ở châu Âu.
Đó cũng là một cách để tôi khám phá sự khác biệt của Việt Nam so với châu Âu. Với tôi, vải là triết lý sống của mỗi dân tộc. Chất liệu vải ở mỗi quốc gia còn là biểu trưng văn hóa cũng như địa lý, khí hậu của đất nước ấy, và tranh vải ở đó cũng thấm quốc hồn, triết lý sống ở đó.
Tôi đã đến Việt Nam, chứng kiến cách người Việt phải xoay xở ra sao để sống và làm việc trong bối cảnh và môi trường sống của mình.
Có một ví dụ nhỏ thế này, trong triển lãm tại Hà Nội, tôi đã phải chi phí nhiều tiền làm khung kính cho các bức tranh, để tránh bụi và tay người xem chạm vào tranh. Nếu triển lãm ở châu Âu thì điều này là không cần thiết, tự khắc khách tham quan không ai chạm vào tranh.
* Chị làm thế nào để lo chi phí đi nhiều nước trên thế giới, tìm kiếm nguồn chất liệu vải cho tranh và nguồn cảm hứng sáng tác nghệ thuật?
- Tôi không thể đặt chân đến tất cả các nước đã gợi nguồn cảm hứng sáng tác tranh vải cho tôi. Nhưng tôi cũng đã nghiên cứu, học hỏi được từ nghề làm vải thủ công ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, chính vì vậy mà sau triển lãm tranh vải đầu tiên của tôi ở Việt Nam, tôi tiếp tục quay trở lại đất nước các bạn.
Còn với đất nước Afghanistan thì tôi chưa bao giờ đến đó, dù tôi đã sử dụng một số mẫu thêu truyền thống của nước này trong bối cảnh thực hiện một dự án nhân đạo giúp phụ nữ ở đó có phương tiện sống và giáo dục con họ.
Tôi cũng chưa bao giờ tới Bangladesh dù tôi bị lôi cuốn bởi mẫu thêu Kantha tuyệt đẹp của họ. Chỉ từ vài năm trước tôi mới bắt đầu đến một số nước ở châu Á để tìm hiểu về văn hóa và lối làm vải thủ công ở đó.
Hiện nay tôi được hưởng lương từ quỹ bảo hiểm xã hội nên không phải lo nghĩ gì nhiều về việc kiếm sống. Mỗi chuyến đi nước ngoài tìm hiểu vải vóc, tôi cũng không mua nhiều vải, bởi hành lý có hạn. Tại châu Âu, tôi không mua vải làm tranh, mà tôi sưu tầm và tái sử dụng vải đã bị loại, vải thừa ra từ các thợ may.

Tác phẩm Vườn Zakia của Catherine Juillerat
Và dự án dành cho mọi phụ nữ có kỹ năng thêu, khâu
* Việc tìm kiếm những đồng nghiệp nghệ sĩ tranh vải ở Việt Nam có khó khăn với chị?
- Tôi biết khá ít nghệ sĩ Việt Nam, một vài người trong số đó là những nghệ nhân chuyên về vải vóc. Tôi biết họ do bạn giới thiệu hoặc do tôi tìm được những tác phẩm của họ trên Internet.
Tôi gặp nghệ nhân thêu Vũ Văn Giỏi vào năm 2014. Những lễ phục thêu của ông thật sự vô cùng lôi cuốn. Tôi khâm phục kỹ năng phục dựng lễ phục hoàng gia của ông. Ngoài ông, tôi còn được gặp thêm hai nghệ nhân và các giáo viên dạy thêu nữa.
Năm 2015 thì tôi gặp nghệ sĩ Thanh Thục, người sáng tác đầy đam mê với tranh vải. Sau đó tôi cùng Thanh Thục làm triển lãm tranh vải năm 2018.
Tôi còn gặp nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân liên quan đến vải vóc và tranh vải, như Hương, Phương Lan, cụ Chu Văn Lượng (người được mệnh danh là ông vua nghề thêu còn sống), Vũ Thị Hồng Yến... Hầu hết họ đều do một người bạn là nhiếp ảnh gia Lê Bích giới thiệu cho tôi.
Vào tháng 11-2018, tôi cũng tìm ra nghệ sĩ tranh thêu Ngọc Trâm ở Hội An, và tôi tìm đến đó gặp Trâm trước khi rời khỏi Việt Nam về lại Pháp.
* Vậy dự án sắp tới của chị?
- Vào tháng 1-2018, trong lúc triển lãm tranh vải ở Việt Nam, tôi đã có cảm hứng bắt tay thực hiện một dự án quốc tế, với mục đích kết nối thật nhiều phụ nữ trên thế giới có kỹ năng thêu, khâu.
Bất cứ một phụ nữ ở quốc gia nào cũng có thể tham gia bằng cách gửi một mảnh vải trong (để có thể nhìn thấu qua, rõ hình thêu từ cả hai mặt vải) với hình thêu tay bất kỳ mà họ thực hiện về cho tôi. Ngay cả bạn cũng có thể gửi phần tác phẩm thêu của mình cho tôi.
Chúng tôi sẽ kết nối bằng những mũi khâu tay tất cả những mảnh ghép đó lại và triển lãm tác phẩm chung ở Paris. Những phụ nữ cũng sẽ gửi kèm theo mẫu thêu của mình ý tưởng và cảm xúc nảy sinh dưới mỗi mũi chỉ.
Chúng tôi sẽ kết nối phụ nữ trên toàn cầu với nhau bằng những mũi thêu tay và tình cảm, cảm xúc, kết nối thế giới lại với nhau theo một cách rất nữ tính. Đó là một cách rất tuyệt và phụ nữ chúng ta hoàn toàn làm được.

Tranh vải Bọt biển của Catherine Juillerat
Đam mê nhiếp ảnh
Năm 1996, Catherine Juillerat bắt đầu khám phá các kỹ thuật chắp vá, đắp vải theo phong cách truyền thống, nhưng sau đó chị muốn thử nghiệm những cách sáng tạo khác.
Chị tìm cách tham gia nhiều cuộc hội thảo với các nghệ sĩ quốc tế, tiếp đó theo học nghệ thuật tại Trường thiết kế ở Basle (Thụy Sĩ), Trường nghệ thuật Opus và Trường nghệ thuật Julia Caprara (Anh).
Các khóa học này chuyên về nghệ thuật dệt và thêu. Sau đó chị đã nhận được chứng chỉ giáo dục đại học về dệt may do Đại học Middlesex ở London cấp. Từ đây, Catherine tập trung sáng tác tranh vải, mà ở châu Âu loại hình nghệ thuật này được gọi là "textile art".
Không chỉ đam mê tranh vải, Catherine Juillerat được giới nghệ thuật nhiếp ảnh biết tới bởi niềm đam mê với nhiếp ảnh. Với niềm đam mê được xếp thứ 2 này, Catherine Juillerat cũng đã mang về cho mình 40 giải thưởng nhiếp ảnh của châu Âu, trong đó có các giải thưởng của AFIAF và EFIAF.

 

Tác giả bài viết: Kiều Bích Hậu thực hiện
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Tin tiêu điểm

Hoạt động của tiến sĩ Mộc Quế, Kỷ lục gia thế giới ở Thái Nguyên

Hoạt động của tiến sĩ Mộc Quế, Kỷ lục gia thế giới ở Thái Nguyên:

Bộ đếm

  • Phút online: 1.461
  • Tổng lượt truy cập: 26.120.701

Quảng cáo

Liên kết website