Theo tờ Inquirer, khoảng 70% trong số hơn 90 triệu dân của Việt Nam dưới 35 tuổi. Mỗi năm có hàng nghìn nhà sáng tạo trẻ mới, trong đó có cả những tài năng Việt Nam ở nước ngoài, tham gia cộng đồng khởi nghiệp trong nước. Theo trang mạng ASEAN Post, trong năm 2017, có hơn 290 triệu USD đã được đầu tư vào các start-up Việt Nam, gấp hai lần so với mức đầu tư của năm 2016. Dòng vốn đầu tư chủ yếu tập trung vào các start-up về fintech (công nghệ tài chính), công nghệ thực phẩm, thương mại điện tử, cùng với các dịch vụ logistics và lữ hành trực tuyến. Mặc dù chưa có số liệu chính thức đối với cả năm 2018 nhưng đây là năm chứng kiến hai thỏa thuận đầu tư lớn vào các nền tảng thương mại điện tử tại Việt Nam. Đó là 50 triệu USD từ nhà đầu tư JD.com của Trung Quốc được “bơm” cho Tiki và 50 triệu USD từ nhà đầu tư SoftBank của Nhật Bản rót vào Sendo.
Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn cho các start-up nhờ vào nền công nghệ đang phát triển cùng với nguồn nhân lực công nghệ giá rẻ nhưng có trình độ cao. Tờ Inquirer dẫn lời ông Binh Tran, một đối tác của Quỹ đầu tư mạo hiểm 500 Startups đánh giá các kỹ sư của Việt Nam có thể xây dựng và phát triển các sản phẩm giống như các chuyên gia tại Thung lũng Silicon nhưng với một chi phí rẻ hơn.
Theo tờ Inquirer, nhiều tài năng Việt Nam từ khắp nơi trên thế giới có kinh nghiệm phong phú nhờ làm việc cho các công ty đa quốc gia trở về nước và ra mắt các start-up của riêng mình. Bên cạnh nguồn vốn, họ còn mang về nước những ý tưởng mới mẻ, kiến thức kinh doanh và mạng lưới kết nối. Eddi Thai, một đối tác của Quỹ đầu tư mạo hiểm 500 Startups cho rằng Việt Nam có lợi thế cạnh tranh so với các thị trường mới nổi khác: “Ở Đông Nam Á, Singapore và Malaysia đã có hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ. Trong khi đó, Việt Nam đang phát triển bước đầu nhờ kinh tế tăng trưởng nhanh, cơ cấu dân số thuận lợi và nguồn nhân lực chất lượng cao”.
Eddi Thai cho biết Việt Nam hiện có khoảng 250.000 kỹ sư công nghệ, gấp đôi so với số lượng của 3 năm trước. Nhiều start-up mà Eddi Thai đầu tư hiện hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực cung cấp giải pháp tài chính cho thị trường Việt Nam. Ông kỳ vọng các start-up Việt Nam sẽ quan tâm nhiều hơn tới các lĩnh vực fintech, thương mại điện tử, logistics, giáo dục và y tế trong vài năm tới.
Tờ Inquirer cho biết cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của chính phủ. Ba khu công nghệ cao đang được xây dựng tại 3 trung tâm công nghệ chính của cả nước là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Một quỹ khởi nghiệp trị giá 85 triệu USD dự kiến cũng sẽ ra mắt trong năm nay. “Các dự án, chương trình ươm mầm khởi nghiệp và hỗ trợ tài chính sẽ giúp các doanh nhân trong nước xây dựng công ty của họ và mở rộng kinh doanh tại Việt Nam và quốc tế. Vào buổi bình minh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ và đổi mới là động lực chính của tăng trưởng. Với số lượng doanh nhân trẻ và tài năng ngày càng nhiều, Việt Nam có khả năng chiếm một vị trí quan trọng trên bản đồ khởi nghiệp toàn cầu”, tờ Inquirer đánh giá.
Hoạt động của tiến sĩ Mộc Quế, Kỷ lục gia thế giới dạy học online:
Ý kiến bạn đọc